Đại tá phi công Hoàng Biểu là người dân tộc Tày, sinh năm 1942, quê ở xã Đào Ngạn (Hà Quảng, Cao Bằng). Ông sinh ra trong một gia đình nông dân. Bố ông mất khi ông mới 2 tháng tuổi. Thế là 3 mẹ con cứ tần tảo ruộng nương, rau cháo nuôi nhau.
Trong hoàn cảnh đó, thấy con ham học lại sáng dạ, nên mẹ ông vẫn cố gắng, chắt chiu cho con đi học. Ông nói: "Càng học lên cao thì con đường càng xa. Cấp 2, phải trọ học cách nhà 20 km; lên cấp 3 thì còn đường tới trường tới 35 km".
May mắn nhất trong cuộc đời ông là vào tháng 7/1961, ông được quân đội tuyển chọn. Cậu thanh niên người Tày được vào học thiếu sinh quân ở tỉnh Lạng Sơn. Con đường binh nghiệp mở đầu từ đó và theo ông đến lúc nghỉ hưu.
Biết chúng tôi là phóng viên VTC News của Đài Tiếng nói Việt Nam, các cựu phi công bay đêm hồ hởi gợi ý, như là niềm tự hào chung của cả đơn vị: “Anh Hoàng Biểu là người đã đi vào bài hát Người Tày ta lái máy bay một thời văn công hay hát. Nhưng chính anh ấy còn từng hát trên Đài cơ đấy!”.
Hỏi Hoàng Biểu, nét vui bừng lên khuôn mặt, ông kể: “Dịp kỷ niệm 30 năm chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, các anh Trần Hanh, Phạm Tuân và tôi được mời tới giao lưu ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Thế nào mà nhạc sĩ Lương Nguyên biết được. Ông nói: Hoàng Biểu phải hát bài Người Tày ta lái máy bay nhé!”.
Thế nhưng, nhạc sĩ Lương Nguyên cứ nhắc đi nhắc lại là chương trình được Đài phát sóng trực tiếp trên cả nước, rồi ra cả quốc tế nên phải luyện tập thật nhuần nhuyễn để lên sân khấu là không được vấp váp.
Chúng tôi hỏi vì sao lại có cái “đơn đặt hàng nóng hổi” như vậy, ông Biểu kể tiếp: “Chắc là vì bài hát đó một thời được Đoàn Văn công Quân chủng thường biểu diễn. Người hay hát là ca sĩ Trịnh Thủy. Từ đó ông ấy mới tò mò hỏi ra nhân vật người Tày lái máy bay là tôi. Trước đó, tôi cũng là người hát hay trong đơn vị nên ông ấy mới bảo hát”.
Chính vì thế, “ca sĩ bất đắc dĩ” rất tự tin. Ông Hoàng Biểu nói ông và ca sĩ Trịnh Thủy tập với nhau một buổi là lên sân khấu của cuộc giao lưu được. Được hát bài hát yêu thích của Quân chủng, lại là bài hát viết về mình nên ông hát rất tình cảm, giọng ca hòa với giọng của ca sĩ chuyên nghiệp nên tiết mục thành công khiến nhạc sĩ Lương Nguyên thở phào.
Vị Đại tá tuổi 80 rất tiếc nuối, ông nói cả tuổi thanh xuân mình đã dành hết sức lực cho chiến đấu, công tác nên chỉ biết là có bài hát viết về mình, thỉnh thoảng được nghe chứ chưa bao giờ gặp người sáng tác. Ông có nghe mọi người nói, đó cũng là một phi công lái máy bay vận tải trong Quân chủng, có năng khiếu âm nhạc, những thành tích chiến đấu của ông là nguồn cảm hứng tạo nên bài hát mà thôi. Thế rồi, một thời gian bài hát đó trở thành bài hát được biểu diễn rất nhiều trong Quân chủng.
Hồi tưởng về những tháng năm binh nghiệp, ông nói, vui nhất là những ngày được trực tiếp điều khiển én bạc MiG-21 trực tiếp chiến đấu đánh chặn máy bay Mỹ từ Lào sang để chi viện cho chiến trường miền Nam năm 1970. Trong số 10 chiếc máy bay do Phi đội bay đêm bắn hạ, ông tự hào riêng mình góp vào 2 chiếc.
Ông kể, năm 1970 B-52 và C-130 hoạt động rất ráo riết ở không phận Quảng Bình, Quảng Trị nên không quân được giao nhiệm vụ bảo vệ con đường hậu cần chiến lược Hồ Chí Minh qua đây. Lúc đó máy bay của Phi đội 5 bay đêm thường xuyên vào trực trong các sân bay dã chiến ở Thọ Xuân (Thanh Hóa), Vinh, Anh Sơn (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình).
Mới đầu là ông Đinh Tôn và ông. Hai người "lĩnh ấn tiên phong" là vì bay được trong nhiều thời tiết, bay cả đêm lẫn ngày, hạ - cất cánh được trên sân bay đất, ngắn, hẹp… Ngoài ra, các ông cũng còn được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho việc đánh B-52 trong tương lai theo chỉ thị của Bác Hồ. Hai ông và sau này là các phi công Vũ Đình Rạng, Đặng Xây được tăng cường vào chiến trường Quân khu IV cùng làm nhiệm vụ mật này.
Kỷ niệm ùa về từ những bức ảnh hiếm hoi lưu lại được.
Ông hồi tưởng: “Đến tháng 8/1970 thì Quân chủng chính thức thành lập Đoàn nghiên cứu cách đánh máy bay B-52 do Phó Tư lệnh Không quân Trần Mạnh chủ trì. Chúng tôi đi ô tô vào Lệ Thủy để cứ chiều tối là quan sát đường bay ra vào, đội hình của B-52. Sau đó về cả nhóm lại chụm đầu vào bàn cách đánh.
Chúng tôi cứ nghiên cứu đi nghiên cứu lại đội hình bay, đường bay, các hướng B-52 xâm nhập vào Việt Nam để đúc kết thành quy luật, từ đó lại bàn bạc để bàn các phương án đánh trả thế nào cho hiệu quả”.
Chúng tôi hỏi về kết quả nghiên cứu, ông Biểu nói: “Máy bay ta tiếp cận B-52 và đánh chặn ở Quảng Bình khó lắm. Đó là vì radar của Mỹ ở ngoài biển cách khoảng 40 km thôi, tên lửa của chúng cũng cách có chừng ấy. MiG của mình bay lên cao một chút là địch phát hiện ra ngay cho tiêm kích, tên lửa đánh lại.
Vì thế chúng tôi phải mò mẫm tập bay thấp khoảng 600 - 800 m từ Vinh theo phía bên Tây Trường Sơn để lấy dãy Trường Sơn mà hạn chế radar của địch. Cứ thế mà bay vào Tân Ấp (Quảng Bình). Khi gặp B-52 sẽ bật tăng lực vút lên cao mà không chiến. Nói sơ bộ về phương án ban đầu là như thế”.
Vừa là người nghiên cứu, vừa là phi công nên với những bài học thực tiễn đó chính thành viên của Đoàn nghiên cứu là phi công Vũ Đình Rạng sau này đã trực tiếp bắn hỏng một chiếc máy bay B-52.
Ông Rạng trở thành người đầu tiên đánh thắng B-52 mang về kinh nghiệm không chiến với loại máy bay chiến lược này đóng góp vào chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972.
Đại tá Hoàng Biểu hồi tưởng lại một thời hoa lửa trong cuộc đời binh nghiệp.
Trong câu chuyện của mình, ông Hoàng Biểu còn nhắc nhiều đến người đồng đội Đinh Tôn. Vị Đại tá nói, hai người không chỉ là đồng chí đồng đội mà còn là hai anh em, kề vai sát cánh, quyết tâm hạ gục B52.
Ông nói: “Tôi với anh Đinh Tôn thường xuyên đặt ra các bài bay để đánh được B52. Chúng tôi là đầu tàu, cùng nhau nghĩ, cùng nhau tập. Thứ nhất là tập đánh bằng rada, cái này là bình thường rồi nhưng cái thứ hai nữa là đánh bằng mắt, mắt thường”.
Đại tá Hoàng Biểu khẳng định, đánh bằng mắt thường là cách đánh khó nhất, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết xấu, thiếu ánh sáng, B-52 tắt hết đèn. Nhưng nhờ sự quyết tâm đồng lòng giữa ông Biểu - ông Tôn, giữa những người đồng đội, hoàn cảnh dù khó đến mấy họ đều có phương án khắc phục.
Ông chia sẻ: “Những bài bay đó, vừa khó vừa nguy hiểm nhưng cứ phải tập cho quen”. Chính việc luyện tập thành thói quen đó đã trở thành tiền đề vững chắc cho phi đội bay đêm triển khai cách đánh B52 bằng mắt thường và giành chiến thắng vẻ vang trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972.