Những ngày cuối tháng 1 Dương lịch hàng năm, giữa thời tiết mưa rét, nhiều người nước ngoài sống tại Việt Nam cảm thấy vô cùng thích thú khi thấy những chiếc xe máy nườm nượp chở đào, quất, chậu hoa cây cảnh len lỏi khắp các phố phường mang Tết về các gia đình.
Phía trong công viên Thống Nhất, các loại hoa xuân khoe sắc, đặc biệt là sắc đỏ của bích đào. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
Không khí ấm áp thiêng liêng
“Tôi rất thích Tết ở Việt Nam. Tôi may mắn có những người bạn bản xứ và được họ mời đến nhà trong dịp này, cùng nhau cụng ly và ăn những món ăn đặc biệt. Thường thì chúng tôi ‘nhậu’ cả ngày thôi (cười). Ở vùng nông thôn, mọi người đều biết nhau hoặc đều là họ hàng với nhau nên thường đến thăm các gia đình khác và chúc mừng năm mới” – Gabric, đến từ Croatia, giáo viên dạy tiếng Anh đang sống tại Việt Nam chia sẻ về trải nghiệm Tết Việt.
Nhiều người nước ngoài đến với cái Tết ở Việt Nam cảm thấy ấm áp với không khí quây quần của các gia đình. “Tôi nghĩ một trong những điểm đặc biệt ở Tết truyền thống Việt Nam là sự kết nối giữa các thành viên gia đình với nhau, là cơ hội tuyệt vời để mọi người ở bên nhau nhiều hơn sau một năm học tập làm việc bận rộn” – người bạn nước ngoài nói thêm. “Các hoạt động chúc mừng năm mới đều có sự tham gia của tất cả mọi người, tất cả đều muốn chia sẻ và quan tâm đến nhau.”
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam thăm chùa Kim Liên, Hà Nội trước thềm Tết Nguyên Đán Canh Tý.
Corb Vil, nhiếp ảnh gia California, Mỹ cho biết: "Tôi đã trải qua một vài dịp Tết với những người bạn Việt Nam ở các khu vực khác nhau, và tôi luôn luôn được chào đón như thể là một thành viên trong gia đình. Mọi người lúc nào cũng muốn cho tôi ăn thật nhiều và uống thật nhiều. Tôi đã tăng cân nhưng cũng đáng!"
Anh nói thêm: “Một phần khác tôi thực sự trân trọng là mọi người đến nghĩa trang và dọn dẹp mộ phần của những người thân trong gia đình những ngày trước Tết. Đó là một điều rất tâm linh và ý nghĩa.”
Cộng đồng “Tây” cũng hay so sánh Tết Việt với ngày Lễ Tạ ơn hay Lễ Giáng sinh ở các nước phương Tây, là dịp để cho đi và trân trọng những giá trị của gia đình, bạn bè. Tết cũng là dịp những người bạn quốc tế được trải nghiệm nhiều mặt khác nhau trong cuộc sống và văn hóa người Việt.
Một số người bạn nước ngoài ấn tượng với khung cảnh đường phố rực rỡ đào, quất, người người tất bật mua sắm chuẩn bị đón Tết, rồi khung cảnh vắng vẻ và yên bình những ngày đầu năm mới ở các thành phố lớn, trẻ em nô nức chạy quanh cùng phong bao lì xì đỏ thắm trên tay.
“Đối với người Việt Nam, Tết có lẽ là thời điểm vui nhất trong năm, ai cũng cười tươi hơn một chút, còn đối với người nước ngoài, Tết có rất nhiều thứ để trải nghiệm như những phong tục và nghi lễ chúc mừng. Tuy nhiên giao thông có vẻ mệt mỏi vì tắc đường thường xuyên những ngày gần tết và giá cả thực phẩm đều tăng hơn thường nhật” – Jim, cây viết du lịch đã sống lâu năm tại Việt Nam cho biết. Làm bánh chưng, thờ cúng tổ tiên, thăm đền, chùa,… là những việc ít người phương Tây được trải nghiệm ở quê nhà nhưng lại là những hoạt động quen thuộc của người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Một số khác yêu thích những phong tục tập quán, món ăn Việt Nam trong những ngày Tết.
“Thông qua Tết, người nước ngoài có thể hiểu thêm về lịch sử Việt Nam. Tôi cảm thấy rất thú vị khi được chứng kiến các truyền thống và lễ nghi trong ngày lễ quan trọng này. Đặc biệt Việt Nam có một văn hóa ẩm thực rất phong phú” – Michael, người Đan Mạch, sống tại Việt Nam cùng gia đình cho biết. Đối với những người bạn nước ngoài, việc chuẩn bị ngày trước Tết, các thành viên gia đình sum họp bên nhau đem lại một cảm giác thiêng liêng.
Sự yên bình đặc biệt
Đường phố những ngày giáp Tết ồn ào trái ngược với những ngày trong Tết. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
Sự đối lập trên đường phố những ngày giáp Tết và ra Tết cũng khiến nhiều người thích thú.
“Kể từ lần đầu tiên đến đây vào năm 2015, đã 5 năm liền tôi được đón Tết cổ truyền Việt Nam. Tôi rất thích những ngày Tết vì nhiều lý do. Và một trong số đó là khi đến Tết tôi có thể đi chơi được vì ngoài đường phố rất vắng” – Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov chia sẻ.
“Thời gian ở Việt Nam tôi rất thích các món ăn ở đây. Không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp cũng rất thích ẩm thực Việt Nam.”
Maria, khách du lịch Australia thì cho biết: “Tết ở Việt Nam khiến tôi nhớ lại dịp năm mới cùng bạn bè và gia đình ở nhà. Tôi đặc biệt thích không khí yên bình gần như bao trùm cả đất nước trong thời gian này, sau những ngày bận rộn nhộn nhịp trước Tết. Mua sắm, trang trí nhà cửa xong, những cây quất đằng sau xe máy được chở về nhà, thật là một sự yên tĩnh thiên đường trong lòng thành phố. Tôi cũng thích nhìn thấy các em nhỏ vui vẻ mặc quần áo Tết và xem lễ hội.”
Các nhà ngoại giao nước ngoài trổ tài gói bánh Chưng ngày 12/1 tại Hà Nội. (Ảnh: baoquocte)
Tuy nhiên, đường phố vắng vẻ và hàng loạt hàng quán, công ty dịch vụ đóng cửa cũng khiến các vị khách nước ngoài lúng túng nếu không biết trước.
Theo Fourie, một thành viên thuộc cộng đồng dạy tiếng Anh ở Việt Nam: “Tôi đã trải qua Tết ở Sài Gòn, và hoàn toàn yêu thích từng phút giây ấy. Đó là thời gian lý tưởng nhất trong năm ở Sài Gòn. Ít xe cộ, không khí trong lành, đường phố được trang trí bằng những đóa hoa, ánh sáng đẹp đẽ lung linh nhất tôi từng thấy trong đời. Tất cả người dân địa phương đều có tâm trạng tốt, cả ngày lẫn đêm! Tôi cũng không cảm thấy bất tiện lắm với việc các cửa hàng đóng cửa.”
Đa số những người từng có trải nghiệm “ăn” Tết Việt đều cảm thấy háo hức, vì thế họ cho rằng tranh cãi về việc có nên gộp “Tết Tây” và “Tết ta” hay không là rất vô ích.
“Tôi nghĩ các bạn nên đón cả hai Tết. Đó là truyền thống tốt đẹp, giúp các bạn có thời gian tụ họp bên gia đình. Không nên bỏ Tết Nguyên Đán”, một cô bạn người người Mỹ nói. Cô cho rằng, giữ gìn truyền thống là một việc làm quan trọng trong bất kỳ nền văn hóa nào. Việc giữ Tết âm lịch như một cách để người dân Việt Nam gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp cho con cháu đời sau.