Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người miệt mài gìn giữ thanh âm đại ngàn

(VTC News) -

Dân làng Groi không ai không biết tới nghệ nhân A Lip, người vẫn ngày đêm gìn giữ giai điệu cồng chiêng, để những giá trị văn hóa không bị mai một.

Video: Nghệ nhân A Lip - Người níu giữ thanh âm đại ngàn

Con đường đất đỏ cùng cái nắng gay gắt của tiết trời tháng 3 dẫn lối chúng tôi tìm tới làng Groi 2, xã Glar (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai), nơi có nghệ nhân A Lip, người nổi tiếng bởi tài đánh và chỉnh chiêng hay. Chị cán bộ xã nhanh nhảu gọi ông A Lip ra đón khách, còn mấy đứa trẻ trong làng thấy người lạ thì tíu tít chào hỏi.

Dẫn khách qua căn nhà sàn treo những món đồ nhạc cụ dân tộc, ông A Lip bắt đầu hồi tưởng lại tình yêu với cồng chiêng, với những giá trị văn hóa buôn làng.

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống văn hóa dân tộc, từ nhỏ ông A Lip đã được theo cha tới những buổi biểu diễn cồng chiêng của làng. Để rồi, niềm say mê những giai điệu đại ngàn ấy ngấm vào tâm trí ông lúc nào không hay. Lên 6 tuổi, ông được cha dạy cách đánh chiêng, thẩm âm, đến 11 tuổi thì đã chơi thành thạo các bài chiêng truyền thống của người Ba Na.

Từ nhỏ, nghệ nhân A Lip đã say mê với âm thanh của cồng chiêng.

Khoe một trong những chiếc chiêng còn lưu giữ, nghệ nhân A Lip bộc bạch: “Thời cha mẹ còn sống, nhà tôi nhiều chiêng lắm. Thời đó chiêng không đắt và hiếm như bây giờ. Sau này cha chết, ông có tâm nguyện chôn theo chiêng nên những bộ chiêng đó nằm ở trong nhà mồ cùng với cha.

Với chút vốn liếng ít ỏi cha để lại, tôi trồng lúa, nuôi bò rồi kiếm tiền mua chiêng. Tôi  sưu tập được 10 bộ chiêng quý, nhưng một số mang đi tặng, một số thì bị thất lạc nên đến nay chỉ còn 3 bộ thôi. Chỉ khi nào có lễ hội, giao lưu văn hóa hay dạy cho các cháu nhỏ ở trong làng thì mới dùng tới”.

Cồng chiêng có vai trò rất quan trọng trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên, chiêng là tiếng nói của người dân với Giàng (Trời), Giàng không nghe được người dân nói, nhưng nghe được tiếng chiêng, nên người chơi chiêng phải đánh đúng và chiêng không được lạc tiếng.

Nhận thấy chiêng mỗi lần bị lạc tiếng lại phải mất rất nhiều thời gian để sửa, người biết đánh chiêng thì nhiều nhưng người biết chỉnh chiêng thì hiếm nên năm 16 tuổi, A Lip theo chân chú họ học chỉnh chiêng.

Ngoài tài đánh và chỉnh chiêng hay, ông A Lip còn thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác.

Là một trong số ít người còn giữ được món nghề dần bị mai một này, nghệ nhân A Lip nói: “Chỉ cần chăm chỉ, tập trung cố gắng thì sẽ đánh được chiêng nhưng chỉnh chiêng thì không phải ai cũng làm được. Giờ chiêng đã khó mua mà người sửa chiêng lại càng khó tìm. Nhà ai có chiêng hư hỏng đều đưa đến tôi chỉnh miễn phí”.

Ngoài việc đánh và chỉnh chiêng giỏi, nghệ nhân A Lip còn miệt mài học đánh đàn T’rưng, Gong Kní và các loại nhạc cụ khác. Những lễ hội trong làng, A Lip đều góp mặt để gióng lên những âm thanh vang vọng núi rừng.

Nghệ nhân A Líp được những đứa trẻ làng Groi thân thương gọi là cha, được coi là sứ giả truyền niềm đam mê cồng chiêng cho thế hệ sau, giúp họ hiểu rõ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Cồng chiêng là vật không thể thiếu trong các ngày hội làng của đồng bào Tây Nguyên.

 

 

Với tài năng của mình, nhiều năm qua nghệ nhân A Lip được nhận bằng khen của các cấp. Trong đó, tiêu biểu: 

Năm 2011, ông được Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Gia Lai chứng nhận là Nghệ nhân chỉnh chiêng, tạc tượng dân tộc Jrai, Ba Na.

Tháng 3/2019, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian.

HIỀN MAI

Tin mới