Mang tiếng Việt ra thế giới
Đến năm 2019, biết tin Đại học Ca’ Foscari (Italia) tuyển giảng viên bộ môn tiếng Việt, gia đình và bạn bè động viên Hường tham gia. Lúc ấy, chương trình dạy tiếng Việt còn sơ khai. Cô Hường cùng 2 thầy cô bộ môn bắt đầu sưu tầm tài liệu, sách vở bằng tiếng Anh để làm giáo trình. Cô dạy tiếng Việt bằng cả tiếng Anh và tiếng Italia, giúp các sinh viên bản địa có thể tiếp thu tiếng Việt tốt nhất.
Hành trình đưa tiếng Việt lan tỏa tại trường Đại học Ca’ Foscari gặp nhiều khó khăn. Những ngày đầu, sinh viên lớp tiếng Việt chỉ có 30 em. Giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành, số lượng sinh viên tiếp tục giảm. Và, do nhà trường quy định số giờ giảng tỉ lệ thuận với số sinh viên theo học, nên môn Tiếng Việt chỉ có 2 - 3 buổi học/tuần. Sinh viên theo học tiếng Việt lại phải học song song cả tiếng Thái. Vì vậy, việc thuyết phục, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ rất khó khăn.
z5121411414577_abf0ef805dee9c34a596d28e33546dc6.jpg
Khi tiếng nói của đất nước được đưa vào một trường đại học quốc tế thì đất nước mình đã có chỗ đứng nhất định.
Giảng viên Lê Thị Bích Hường
Nhiều sinh viên Italia sau vài buổi nghe cô giảng đã nhen nhóm tình yêu ngôn ngữ và đất nước Việt Nam. Có em đã làm đơn xin chuyển sang học môn tiếng Hàn, song lại quyết định tiếp tục học tiếng Việt. Có em từ tiếng Trung Quốc chuyển sang học tiếng Việt, thấy hứng thú lại rủ thêm bạn đến học cùng. Điều này tiếp thêm động lực cho cô Hường cùng các giảng viên bộ môn Tiếng Việt.
Truyện Kiều mở cánh cửa
Thấy các trò hào hứng đón nhận, cô Hường tiếp tục tổ chức cho các em diễn kịch tái hiện lại Truyện Kiều. Sinh viên Giulio Perini đau chân, phải chống nạng mà vẫn đến tập và diễn Kiều. “Qua lời dạy của cô Hường, tôi hiểu được ý nghĩa của Truyện Kiều, về truyền thống văn hóa Việt Nam. Các đức tính, ước vọng tốt đẹp của con người Việt Nam được thể hiện rõ qua các nhân vật Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải… Chúng tôi chăm chỉ luyện tập cho buổi diễn Kiều, như là món quà cho sự cố gắng của chúng tôi và tâm huyết của cô Hường”, Giulio Perini tâm sự.
Lớp học tiếng Việt tại trường Đại học Ca’ Foscari.
Sinh viên yêu thích các hoạt động thực hành về văn hóa, cô Hường càng thêm quyết tâm mang bản sắc Việt Nam đến với các bạn trẻ. Cái hay, cái phong phú, đa dạng của tiếng Việt nằm trong những câu ca dao, tục ngữ, những làn điệu dân ca tồn tại hàng nghìn năm qua. Mọi khoảng cách địa lý, văn hóa, ngôn ngữ dường như tan biến. Qua các làn điệu quan họ, sinh viên ngỡ ngàng với những đại từ “mình”, “người”, khác hẳn với những từ “anh”, “em”, “tôi”, “bạn” thông dụng.
Sinh ra và lớn lên tại làng quan họ cổ Sen Hồ (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), không khó để cô Hường mang làn điệu dân ca xứ Kinh Bắc đến giảng đường đại học. Đáp lại nhiệt huyết của cô Hường là sự thích thú, say mê của các bạn sinh viên trường Đại học Ca’ Foscari. Cô cùng 30 sinh viên dành một tháng dàn dựng tiết mục quan họ, với các “liền anh, liền chị” là người Italia.
Hai buổi học mỗi tuần không đủ để luyện tập, cô trò tận dụng mọi thời gian trống để tập hát và chuẩn bị áo tứ thân, nón quai thao “đúng chuẩn”. “Hồi đó chúng tôi luyện tập trong căn phòng trống không có lò sưởi, giữa mùa đông lạnh buốt. Các bạn phải mặc nhiều lớp áo dày, ra sức luyện tập, quyết tâm hoàn thành buổi biểu diễn”, cô Hường xúc động nhớ lại.
Cô Lê Thị Bích Hường cùng các sinh viên trong tiết mục biển diễn quan họ.
Ngoài quan họ, cô Lê Thị Bích Hường cũng khéo léo giới thiệu nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác như tuồng, chèo... Cô Hường kể một kỷ niệm đặc biệt gắn với vở chèo kinh điển Xúy Vân giả dại. Ban đầu, cô chỉ chiếu vở chèo trên lớp với mục đích giới thiệu cho sinh viên. Bất ngờ, một sinh viên ngỏ lời: “Cô ơi, em muốn đóng vở Xúy Vân giả dại” làm cô Hường ngỡ ngàng.
Thấy học sinh quyết tâm, cô Hường ủng hộ hết mình. Cô gọi điện nhờ NSND Đoàn Thanh Bình tư vấn, rồi thuê một diễn viên đoàn chèo Ninh Bình dạy cách múa, cách thoại…, sau đó hướng dẫn sinh viên. Khoảnh khắc hoàn thành buổi diễn, em sinh viên chạy lại ôm cô giáo khóc nức nở:“Em đã làm được, em đã làm được rồi!”.
Hoạt động văn hóa đem lại hiệu quả vượt xa mong đợi của cô Hường và các thầy cô bộ môn Tiếng Việt.“Sinh viên không chỉ được tiếp cận với văn hóa Việt Nam, mà hơn hết tăng thêm thích thú trong học tập, để các em đam mê nghiên cứu, tìm tòi những gì không có trong sách giáo khoa”, cô Hường chia sẻ.
Trái ngọt
Tính đến nay, có 2 khóa sinh viên tiếng Việt tốt nghiệp ngành Đông Nam Á học tại trường Đại học Ca’ Foscari. Tâm huyết của cô Lê Thị Bích Hường với các lứa sinh viên ngày càng nhân lên. Đối với cô, mỗi buổi học, mỗi hoạt động của cô trò đều tràn đầy niềm vui và nhiệt huyết. Dù điều kiện học tập còn hạn chế nhưng các em vẫn say sưa học và yêu quý tiếng Việt, văn hóa Việt. Cuối kỳ, các sinh viên cùng giới thiệu Truyện Kiều trong báo cáo. Đặc biệt, có một em làm tiểu luận riêng về Truyện Kiều với vốn kiến thức mà cô Hường truyền dạy.
Cô Lê Thị Bích Hường tổ chức nhiều hoạt động thực hành văn hóa Việt cho sinh viên trường Ca’ Foscari.
Trong quá trình dạy tiếng Việt, cô Hường còn đem kiến thức lịch sử - địa lý lên giảng đường, kể cho sinh viên về truyền thống yêu nước, đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc hào hùng của người Việt. Năm 2018, cô Hường có cơ hội đi công tác tại Trường Sa, biểu diễn quan họ tặng các chiến sĩ. Cảm xúc từ chuyến đi vô giá đó được cô trân trọng hết mực, đem đến cho các em sinh viên những chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Đây cũng trở thành chủ đề nghiên cứu tiểu luận của nhiều sinh viên lớp tiếng Việt.
Cô Hường dự định sẽ về các trường cấp 3 tại Italia để giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam. Ngoài ra, cô ấp ủ cho ra mắt cuốn sổ tay từ vựng tiếng Việt - Italia, bao gồm những câu giao tiếp cơ bản, thông dụng, giúp người Italia học tiếng Việt và người Việt học tiếng Italia.