Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người mắc bệnh hiểm nghèo có được giảm thời gian chấp hành án treo?

(VTC News) -

Người đang trong quá trình chấp hành án treo thì bị mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được giảm thời gian chấp hành án nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi:

Tôi có một người bạn đang chấp hành án treo về tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây bạn tôi phát hiện bị mắc bệnh hiểm nghèo. Vậy trường hợp này của bạn tôi có được giảm thời gian chấp hành án treo hay không?

Trả lời:

Án treo là gì?

Án treo là một chế định pháp lý hình sự ra đời từ rất sớm, xuất hiện và phát triển cùng với sự ra đời và phát triển của Luật hình sự Việt Nam. Theo đó, căn cứ Điều 1 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quy định: Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Từ những quy định nêu trên, có thể nhận thấy rằng, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù. Theo đó, treo không phải là một hình phạt mà là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.

Ảnh minh hoạ.

Bệnh hiểm nghèo là gì?

Quy định tại Khoản 4 Điều 8 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.

Người mắc bệnh hiểm nghèo có được giảm thời gian chấp hành án treo?

Tại Khoản 4 Điều 8 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định:

Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách còn lại.

Theo đó, dẫn chiếu đến Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: Người được hưởng án treo có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi có đủ các điều kiện sau:

- Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách của án treo.

- Có nhiều tiến bộ được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm pháp luật, các nghĩa vụ theo Luật Thi hành án hình sự; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.

- Được Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.

Như vậy, đối với người đang chấp hành án mà được hưởng án treo, ngoài việc mắc bệnh hiểm nghèo thì cần phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì mới được cơ quan có thẩm quyền rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

Luật sư Phạm Thảo – Phó Giám đốc Công ty Luật S-Life Việt Nam.

Huệ Nguyễn

Tin mới