Điều kiện tham gia công đoàn
Căn cứ Điều 1 Điều lệ Công đoàn Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020 quy định về đối đượng và điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam như sau:
1. Người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam và người Việt Nam lao động tự do hợp pháp, không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tín ngưỡng, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tự nguyện sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở của công đoàn, đóng đoàn phí theo quy định thì được gia nhập Công đoàn Việt Nam.
2. Khuyến khích người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người nước ngoài lao động hợp pháp tại Việt Nam, tham gia các hình thức tập hợp của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
3. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LLĐL) Việt Nam hướng dẫn chi tiết Điều này.
Như vậy, để tham gia Công đoàn cần đáp ứng các điều kiện như sau: Là người Việt Nam; Làm hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; Hoặc lao động tự do hợp pháp, không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tín ngưỡng; Tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Tự nguyện sinh hoạt trong một tổ chức của công đoàn, đóng đoàn phí đầy đủ.
Điều 170 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn.
Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Người lao động được quyền lựa chọn, tình nguyện gia nhập Công đoàn tại doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị. (Ảnh: Xuân Tiến)
Từ những căn cứ trên, trong lĩnh vực lao động, công đoàn là tổ chức đại diện người lao động được thành lập dưới hình thức công đoàn cơ sở. Công đoàn cơ sở được thành lập ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.
Luật có quy định, người lao động có quyền gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định pháp luật. Nghĩa là người lao động không bắt buộc tham gia Công đoàn. Người lao động được quyền lựa chọn, tình nguyện gia nhập Công đoàn tại doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị.
Trường hợp nào được miễn đóng đoàn phí công đoàn?
Căn cứ tại Điều 26 Luật Công đoàn 2012 quy định về tài chính công đoàn thi tài chính công đoàn gồm các nguồn thu: Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Ngoài ra, theo khoản 6 Điều 23 Quy định quản lý tài chính, tài sản công đoàn ban hành kèm theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 quy định về đoàn phí như sau:
Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí.
Đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 1 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí.
Như vậy, người lao động không phải đóng phí công đoàn khi thuộc các trường hợp như sau:
- Người lao động không tham gia công đoàn (không phải đoàn viên công đoàn).
- Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp BHXH từ 1 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng phí công đoàn.
- Đoàn viên không có việc làm, không có thu nhập.
- Đoàn viên nghỉ việc riêng từ 1 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí.