Sau khi cơ quan chức năng nghiêm cấm tăng giá bán khẩu trang trong tình hình dịch viêm phổi cấp do nCoV diễn biến phức tạp, trên mạng xã hội, nhiều người kinh doanh thuốc và vật tư y tế kêu gọi nhau ngừng bán khẩu trang, làm gia tăng tình trạng khan hiếm mặt hàng này trong khi nhu cầu đang rất cao.
Trên nhóm “Chợ thuốc Hapulico Hà Nội”, tài khoản facebook Nguyễn Kim Dung kêu gọi: “Tất cả nhà thuốc chúng ta liên kết đoàn kết, không nhập khẩu trang và cũng không bán khẩu trang nữa. Việc đó giờ Nhà nước lo, miễn phí hay bán giá như trước thì nhà em không làm được rồi... Sân bay bán 350 nghìn đồng 10 cái khẩu trang y tế 4 lớp mà chẳng quản lý thị trường nào vào đập, cứ nhà thuốc nhỏ lẻ bị úp. Vậy nên chúng ta chung sức không nhập, không bán nhé. Hiện tại cũng 70% các nhà không nhập, 10% không bán, 10% phát free (miễn phí)”.
Đến ngày 3/2, nhiều quầy thuốc ở chợ thuốc Hapulico đồng loạt treo biển "không còn khẩu trang, nước sát khuẩn bán" hoặc "không bán khẩu trang, miễn hỏi". Tại các địa phương, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện không ít hiệu thuốc vẫn còn mặt hàng này trong kho nhưng lại trả lời khách là hết hàng.
Nhu cầu sử dụng khẩu trang ở Việt Nam hiện tăng rất cao so với ngày thường.
Trả lời VTC News, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, hành vi kêu gọi không nhập và bán khẩu trang của các nhà thuốc không chỉ vi phạm đạo đức kinh doanh mà vi phạm pháp luật.
"Trong bối cảnh nguồn cung vô cùng khan hiếm, chuyện các nhà thuốc nâng giá khẩu trang còn có thể thông cảm. Thế nhưng, xét về mặt đạo đức và pháp lý, việc đồng loạt hùa nhau kêu gọi không bán, liên kết với nhau để thực hiện điều này lại là hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Đây không còn là vấn đề đơn giản", ông Cường nói.
Theo luật sư, trên cơ sở xem xét các yếu tố như mức độ gây hạn chế cạnh tranh, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra, khả năng gây hạn chế cạnh tranh của đối tượng vi phạm, thời gian thực hiện hành vi vi phạm, khoản lợi nhuận thu được..., cơ quan chức năng sẽ phạt tiền tối đa 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm tài chính trước đó.
Tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm cũng sẽ bị tịch thu, bao gồm toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm.
Đặc biệt, luật sư Cường nhấn mạnh, tùy mức độ, hành vi kêu gọi không bán khẩu trang còn có thể bị xem xét khởi tố hình sự về tội Vi phạm quy định cạnh tranh, theo điều 217 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm, hoặc bị phạt tiền từ 200 triệu đến 3 tỷ đồng.
Nhiều hiệu thuốc treo biển không có khẩu trang.
Cụ thể, khoản 2 điều 10 Luật Giá cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Nghị định 109 hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá cũng quy định, tổ chức lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng và buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.