Trung tâm sầm uất hóa 'thành phố ma'
Khi số ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia này vượt 10.000 trường hợp, Chính phủ Italy ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc. Các trung tâm sầm uất Rome, Milan và Venice như hóa "thành phố ma". Người Italy đang trải qua cuộc sống khó khăn, với lệnh giới nghiêm và hạn chế đi lại.
Vẻ ồn ào náo nhiệt ở thủ đô Rome không còn, thay vào đó là tiếng thì thầm, bàn tán về dịch Covid-19. Cảnh sát tuần tra trên khắp các con phố, nhắc nhở khách ngồi trong các quán cafe cách xa nhau 1 m.
Quảng trường Thánh Peter vắng bóng người qua lại. (Ảnh: CNN)
Beniamino Pagliaro, nhà báo của La Repubblica gọi các biện pháp phong tỏa ban hành là "chưa từng có".
"Tôi đang ở Rome, đường phố trống không. Rome nổi tiếng về ùn tắc giao thông, nhưng hiện tại các phương tiện rất ít. Hầu hết mọi người làm việc ở nhà. Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi có con cái, nhưng trường học bị đóng cửa. Mọi người được khuyên làm việc ở nhà, nhưng không có nơi nào để gửi trẻ", Pagliaro nói.
"Thật tệ. Mọi người như bị khủng bố. Tôi chưa bao giờ thấy thứ gì giống vậy", Massimo Leonardo, chủ quầy hàng trong một khu chợ nói.
Ở khu Trastevere nhộn nhịp, người ta vẫn đùa vui rằng, trong 2 người mà bạn nhìn thấy có 1 khách du lịch. Vào ngày bình thường, các du khách nói tiếng Anh hoặc tiếng Nga choán đầy các con phố. Nhưng những ngày này, phố xá không có một bóng khách.
Trước lệnh phong tỏa toàn quốc vài ngày, ông Pagliaro có ghé qua Milan. Thành phố hoa lệ của Italy bị đóng cửa, nhà hàng vắng khách và người dân cũng ít ra đường.
"Các thành phố vắng vẻ hơn. Có gì đó đã thay đổi. Hầu hết mọi người hủy lịch trình du lịch. Nhiều người thay đổi lịch trình, trở về nhà. Một số bạn bè của tôi sống ở Rome hoặc Milan thường trở về với gia đình, tuy nhiên vì lo ngại lây bệnh cho bố mẹ, họ phải hủy bỏ kế hoạch", Pagliaro chia sẻ.
Người Italy giờ tích cực giao tiếp với nhau hơn trên mạng xã hội. Họ chia sẻ các chương trình truyền hình, những cuốn sách đang đọc. Mọi người chủ yếu ở nhà chăm sóc con cái. Một số chạy bộ thể dục qua những phòng gym đóng cửa. Tuy vậy, một số ít vẫn tụ tập theo nhóm nhỏ.
Theo Pagliaro, khi Thủ tướng Conte công bố các biện pháp cách ly mới, nhiều người đã rất hoảng loạn. Có rất đông người dân kéo tới siêu thị trong đêm để mua đồ.
"Đây là một thời điểm khó khăn, nhưng nó buộc mọi người phải hành động thật đúng đắn. Tất nhiên, cuộc sống có thể trở nên nhàm chán, khi trì hoãn các sự kiện hay du lịch. Nhưng điều tốt nhất là bạn phải suy nghĩ cho toàn xã hội", nhà báo Italy cho hay.
Kinh tế trì trệ
Là nền kinh tế lớn thứ 3 tại Liên minh Châu Âu, Italy phụ thuộc rất nhiều vào các ngành du lịch - dịch vụ, bán lẻ và sản xuất. Việc hạn chế đi lại với 62 triệu dân là đòn giáng nặng nề đối với quốc gia này.
Các nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng được yêu cầu đóng cửa sau 18h đến 6h sáng hôm sau. Đối với nhiều người dân ở một quốc gia nổi tiếng là sành ăn, sành mặc như Italy, đây chẳng khác nào là "một cơn địa chấn".
"Tôi sẽ làm bất cứ điều gì mà Chính phủ yêu cầu. Họ bảo phải đóng cửa, tôi sẽ đóng", ông Stefano Fulvi, một người bán hoa nói.
Video: Italy tuyên bố phong tỏa toàn quốc
Mức độ lây lan dịch bệnh tại Italy, khiến nước này gặp nhiều khó khăn trong giao thương. Malta và Tây Ban Nha tuyên bố cấm giao thông hàng không với Italy. British Airways và Air Canada đình chỉ tất cả các chuyến bay sang Italy.
Áo cấm du khách Ý qua biên giới mà không có giấy chứng nhận y tế. Slovenia đóng cửa biên giới với Italy, còn Albania cấm giao thông đường hàng không và đường thủy.
Ngoài ra, Anh, Ireland, Hong Kong và Đức đưa ra các khuyến cáo du lịch và kêu gọi công dân rời khỏi Italy. Ngay cả Vatican cũng dựng lên một chướng ngại vật mới ở rìa Quảng trường Thánh Peter.
"Hãy rời khỏi miền Bắc Italy, nếu bạn ở đó", Erik Broegger Rasmussen, quan chức Bộ Ngoại giao Đan Mạch kêu gọi.