Tối thứ 7 hàng tuần, tại quảng trường bên ngoài trung tâm mua sắm ở quận Triều Dương (thành phố Bắc Kinh), những chiếc ôtô cá nhân xếp hàng dài ngay ngắn, mở hết thùng xe.
Trong những cốp xe, mọi thứ được bày biện đẹp đẽ, từ cà phê, đồ ăn vặt, đến những món đồ chơi gắn liền với thế hệ 8X, đầu 9X.
Những đêm "khu chợ cốp xe" được họp, nhiều người trẻ cũng tụ tập về đây vui chơi, chụp hình check-in trước khung cảnh đặc biệt. Theo The Paper, không ít người tới để săn lùng những món đồ chơi độc lạ, yêu thích.
Mubai, một cô gái thuộc thế hệ 9X, tuần nào cũng tới đây để tìm niềm vui. "Tôi rất thích khi có khu chợ gần nhà đặc biệt thế này. Có rất nhiều câu chuyện đặc biệt ở đây. Không chỉ mua sắm, tôi còn kết giao được với nhiều chủ sạp hàng là người có cùng sở thích hoặc kinh nghiệm kinh doanh".
"Khu chợ cốp xe" đặc biệt thu hút nhiều người bởi những chủ sạp hàng thực chất "bán vì đam mê" bởi lợi nhuận thu về chẳng đáng là bao. Nhiều người bán ở đây đang là chủ doanh nghiệp hoặc làm việc trong các lĩnh vực khác nhau. Trong số ôtô được dùng làm sạp hàng, có những chiếc là xế hộp đắt tiền.
Những chiếc xế sang được dùng để mở quầy hàng tại các "khu chợ cốp xe". (Ảnh: Carben)
Qiuqiu là một chủ sạp hàng ở khu chợ đặc biệt này, nghề chính của anh là chủ một công ty quảng cáo. Cách đây 10 năm, anh từng mở sạp bán hàng, giờ đây đã ngoài 30, sở thích với công việc này của anh vẫn còn. Những món đồ anh bán cũng không khác nhiều so với trước đây.
"Thu nhập từ sạp hàng này không ổn định, buôn bán tốt có thể kiếm được 5.000 nhân dân tệ/tháng, rất ít người kiếm được 10.000 tệ. Con số đó chẳng đáng là bao. Hầu hết người bán hàng ở đây vì vui vẻ và để kết giao bạn bè, kiếm mối làm ăn", Qiuqiu nói với The Paper.
Giống như Qiuqiu, ngày càng nhiều người trẻ tham gia vào mô hình kinh doanh này vì đam mê mà không màng đến thu nhập. Ưu điểm của kiểu buôn bán này là không cần đầu tư vốn lớn, cũng không tốn hàng chục nghìn USD để trang trí mặt bằng, chỉ cần có cốp xe là có thể "khởi nghiệp".
Là một người làm quảng cáo, Qiuqiu muốn tạo nên sự khác biệt. "Tôi muốn bán kỷ niệm hơn là những thứ hào nhoáng, hiện đại. Tôi thường kiếm những món đồ chơi hay đồ ăn vặt gắn liền với thời thơ ấu của những người cùng thế hệ mình".
Anh bỏ rất nhiều công sức để tìm lại những món đúng khẩu vị, nhờ bạn bè ở Nghĩa Ô và Quảng Đông liên hệ nhà máy để tìm các sản phẩm "đúng chất".
Thực tế, mô hình "car boot sale" (bán hàng trên ôtô) này xuất phát từ châu Âu và Mỹ, nơi mọi người trao đổi hàng hóa hoặc bán đồ cũ. Ngoài việc mua bán, khách hàng và chủ còn trao đổi về cuộc sống.
|
Lai Yang, chuyên gia của Cơ sở Nghiên cứu của Trung tâm Kinh doanh Quốc tế Bắc Kinh, nói với Ranjing Finance rằng thị trường "bán hàng trên ôtô" là một loại hình kinh tế quầy hàng rong, không phải là một sản phẩm mới.
Về bản chất, nó vẫn là một hoạt động kinh doanh. Do đó, đồng thời khuyến khích sự phát triển của nền kinh tế ban đêm, cũng cần phải thực hiện quản lý tiêu chuẩn hóa mô hình này.
Dọc bờ sông Wenyu ở Bắc Kinh, mùi cà phê thoang thoảng từ một chiếc xe địa hình màu xanh lá khiến những người xung quanh bị thu hút. Một cốc Americano có giá 28 tệ, ly latte có giá 32 tệ. So với những quán cà phê trong thành phố, mức giá này không rẻ, nhưng vì nằm ở vị trí đặc biệt nên quầy hàng này vẫn có lượng khách du lịch nhất đến đến mua.
Chủ xe cà phê di động này là một người đàn ông quốc tịch Cộng hòa Séc thuộc thế hệ 7X. Ông vốn thích lái xe địa hình và đi cắm trại trong thời gian rảnh. Từ năm 2021 đến nay, ông đã biến chiếc xe của mình thành quầy cà phê di động trong những lần du lịch đường trường.
"Tôi đã biến thành một người pha chế bán thời gian, sắm sửa máy pha cà phê, máy xay, máy phát điện chạy xăng, dụng cụ pha, đèn, cốc...", chủ tiệm cà phê di động bày tỏ.
Liu Xiaole cũng là chủ một sạp hàng trên cốp ôtô. Ngày thường, anh là người quảng cáo sản phẩm chăm sóc da cho một công ty, tối thứ 6 và thứ 7, anh rong ruổi bán đồ chơi bằng xe riêng. Liu thường ghé tới các quảng trường, khu mua sắm hay công viên.
Liu là người yêu thích đồ chơi mô hình. Anh sưu tập khoảng 200 mẫu Buzz Lightyears (nhân vật trong phim hoạt hình Toy Story), từ nhỏ đến trung bình và lớn. Ngoài ra, còn có rất nhiều mẫu đồ chơi khác nhau.
Liu bán những món đồ chơi gắn liền với tuổi thơ trên chiếc xe của mình.
"Một mặt, quầy hàng là nơi tụ tập của những người yêu thích đồ chơi, giúp mọi người trao đổi đồ chơi yêu thích. Mặt khác, tôi muốn những vị khách được trở về tuổi thơ", Liu nói.
Để đạt mục tiêu của mình, mỗi ngày anh đều dành thời gian tìm kiếm những mẫu đồ chơi hiếm hơn, nhiều món đồ trên gian hàng của anh là các sản phẩm không còn được sản xuất mới.
Những người bán hàng trên ôtô như Liu nói rằng không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, chủ yếu tìm kiếm niềm vui, kết nối bạn bè.
"Cách đây không lâu, một khách hàng nhìn thấy ảnh tôi đăng đã chạy xe 100 km tới để xem. Nhiều vị khách trở thành bạn bè với tôi, chúng tôi cùng thảo luận về đồ chơi và họ thậm chí giúp tôi dọn đồ".
Liu cho biết doanh thu phụ thuộc vào lượng khách từng thời điểm, lợi nhuận khoảng 30%. Không đối mặt áp lực thuê mặt bằng, điện nước, mức lợi nhuận như vậy là không thấp.
Qiuqiu cũng thẳng thắn khẳng định không sạp hàng trên cốp xe không phải để kiếm nhiều tiền, có ý định làm giàu với mô hình này là không thực tế.
"Ngoài công việc chính, tôi có thể kết giao với nhiều người hơn thông qua sạp hàng này, mở rộng vòng bạn bè, tìm lại những kỷ niệm tuổi trẻ và cảm nhận về chính mình. Những giá trị này có ý nghĩa hơn việc kiếm tiền", Qiuqiu bày tỏ.