Người già Italy trở thành bảo mẫu bất đắc dĩ
Trong nghị định có hiệu lực từ ngày 5/3, Chính phủ Italy thúc giục người già ở tại gia, hạn chế ra ngoài để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Bởi vì họ là những người dễ bị tổn thương nhất, dễ bị tấn công nhất.
Nhưng khi giới chức Italy công bố đóng cửa các trường học, phụ huynh học sinh lại cầu cứu tới bố mẹ họ.
Người già chiếm phần lớn trong các ca thiệt mạng vì Covid-19 ở Italy. (Ảnh: Time)
Đất nước Italy, tâm dịch Covid-19 ở châu Âu, có dân số già chỉ đứng sau Nhật Bản. Trong 230 ca thiệt mạng vì Covid-19 ở Italy có 148 người già.
Người già ở Italy từ lâu trở thành bảo mẫu cho các cháu của họ, thay thế cho những người giữ trẻ đòi hỏi mức lương cao hay những trường tư đắt đỏ.
Họ thường ở lại để giúp đỡ con cháu, ngay cả khi trẻ em đã tới tuổi đi học. Ở Italy, các lớp học thường tan vào 14h, thời điểm mà các bậc phụ huynh vẫn đang bù đầu với công việc văn phòng.
Quyết định đóng cửa trường học khiến cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. Nhiều người trưởng thành tiếp tục nhờ bố mẹ họ giúp đỡ.
"Nó là một nghịch lý", ông Mauro Benedett 73 tuổi cho biết. Ông Benedett được con nhờ tới nhà chăm cháu. "Họ bảo chúng tôi ở nhà. Nhưng chúng tôi còn phải đi trông cháu", ông nói.
Italy có dân số già bậc nhất tại châu Âu.
Người già khi đó lại tới chăm sóc lũ trẻ. Thay vì ở nhà, họ đưa chúng ra sân chơi hoặc những không gian tập trung nhiều người, khiến nguy cơ nhiễm bệnh tăng lên. Chưa kể những đứa trẻ có thể là nguồn lây bệnh tiềm tàng.
Tiến sĩ Franco Locatelli, người đứng đầu Hội đồng khoa học quốc gia về sức khỏe của Italy cho biết, chính phủ đang tìm cách áp dụng nhiều biện pháp để giảm mức độ lây nhiễm và bảo vệ người dân. Đặc biệt là người già, vì các nghiên cứu chỉ ra rằng họ là những người dễ rơi vào tình trạng nguy kịch nếu nhiễm bệnh.
Rạng sáng 10/3 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo sẽ mở rộng việc cách ly ở vùng dịch phía Bắc ra toàn bộ quốc gia.
"Tất cả các biện pháp được thực hiện ở tâm dịch sẽ mở rộng ra phạm vi toàn quốc", Thủ tướng Italy cho biết.
Theo ông Conte, biện pháp phòng dịch quyết liệt này được thực hiện nhằm bảo vệ người dân cả nước Italy, đặc biệt là ở những khu vực nhạy cảm.
"Lúc này, virus đã đặt chân đến quá nhiều quốc gia. Nguy cơ Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu đã trở nên rất thật. Nhưng nó sẽ đại dịch đầu tiên trong lịch sử có thể kiểm soát được" - Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận.
Video: Lập rào chắn cách ly phố Trúc Bạch, Châu Long vì ca nhiễm Covid-19 thứ 17
Tương tự như Italy, Mỹ khuyến cáo người già và những người mắc bệnh mãn tính nghiêm trọng ở nhà càng nhiều càng tốt, tránh tới những nơi đông người.
Tiến sĩ William Schaffner, Giáo sư Đại học Vanderbilt cho rằng, hai nhóm này nên cân nhắc tránh các hoạt động như đi du lịch bằng máy bay, tới rạp chiếu phim, tham dự các sự kiện gia đình, mua sắm tại các trung tâm đông đúc hay đi lễ nhà thờ.
"Khi vợ tôi và tôi cần đi mua sắm, chúng tôi sẽ đi vào đêm khuya khi không còn đám đông", ông Schaffner chia sẻ.
Vợ của ông Schaffner thường lui tới những nơi đông người, nhưng bà phải bỏ thói quen này những ngày qua.
Nhà dịch tễ học của tiểu bang Minnesota Michael Osterholm cho biết, ông phải hủy bỏ một số kế hoạch du lịch trong tình hình dịch hiện nay.
Cả ông Schaffner và Osterholm cho rằng, họ không yêu cầu người già phải cấm túc trong nhà trong một tháng, nhưng nên suy nghĩ mỗi khi tụ tập nơi đông người.
"Nếu ông bà muốn tham dự đám cưới của con cháu. Họ có thể ngồi sang một bên, thay đổi cách chào hỏi thay vì ôm và hôn. Với các buổi lễ cuối tuần, đừng đi mà hãy cầu nguyện tại nhà", ông Schaffner nói.
Video: Tình hình Covid-19 ngày 9/3 trên thế giới (Nguồn: VTC Now)
Pháp khuyến cáo không tới thăm người già
Hôm 6/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi người Pháp hạn chế các chuyến thăm tới người cao tuổi, vì họ là những người rất dễ bị nhiễm bệnh.
"Tình hình này có thể kéo dài trong vài tuần, mọi người nên thể hiện tinh thần trách nhiệm và không nhượng bộ trong hoàn cảnh này", ông Macron cho hay.
Theo Newstalk, các biện pháp hạn chế này được áp dụng với 22 bệnh viện, hàng trăm viện dưỡng lão trên khắp đất nước.
Ông Macron tin rằng quyết định đưa ra là cần thiết bởi người trẻ thường rất dễ lan truyền virus.
"Ưu tiên tuyệt đối của chúng tôi là bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất khi đối mặt với loại virus này", ông cho hay.
Tổng số ca nhiễm Covid-19 của Pháp hiện nay là hơn 1200, trong đó 19 người thiệt mạng.