Anh Nguyễn Văn Hưng (50 tuổi, Nam Định) tiền sử uống rượu bia hơn 30 năm nay, hầu như ngày nào cũng uống từ một vài chén cho đến gần nửa lít. Anh còn có sở thích ăn nhậu với tiết canh, thịt đỏ, thịt nướng, thịt quay, lòng và phủ tạng động vật.
Sau một thời gian dài duy trì thói quen ăn uống như trên, anh Hưng đau bụng, đại tiện khó khăn, mỗi đêm đều đi vệ sinh tới 4-5 lần. Lúc này anh mới nghĩ tới việc đi khám.
Bác sĩ Hà Hải Nam và ê-kíp phẫu thuật cho bệnh nhân mắc bệnh lý đường tiêu hoá (Ảnh: BSCC)
Theo bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, người bệnh nhập viện trong tình trạng đại tiện khó khăn, kèm cả máu, bị bán tắc ruột, nội soi phát hiện phía trong nhiều khối u lớn, chiếm hơn ¾ chu vi lòng đại tràng sigma.
“Khối u nhiều đến mức ống nội soi không thể đi qua để quan sát phần còn lại của đại tràng. Bệnh nhân cao 1,7m nhưng thân hình gầy gò, chỉ nặng 48-50kg và lớp mỡ nội tạng nhiều, tổ chức mô và các cơ quan lỏng lẻo. Với thể trạng như vậy khi mổ rất dễ bị chảy máu khi mổ. Tôi đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều cho việc quyết định mổ mở hay mổ nội soi với trường hợp này”, bác sĩ Nam nói.
Phẫu thuật nội soi với ưu điểm giảm đau đớn, hồi phục nhanh chóng sau mổ, ít biến chứng cũng như sẹo mổ rất thẩm mỹ so với mổ mở. Tuy nhiên, phương pháp này là tốn nhiều thời gian hơn, hạn chế hô hấp của người bệnh hơn và nhất là những rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào nếu như quá trình phẫu thuật xảy ra sơ suất.
Sau khi cân nhắc các phương án, bác sĩ quyết định cắt đoạn ruột, nối ngay để tránh cho người bệnh phải mang túi hậu môn nhân tạo. Phương pháp này nếu thành công sẽ giúp người bệnh không bị ảnh hưởng sinh hoạt nhưng sơ sẩy một chút là nguy cơ chất thải, chất tiết tiêu hoá có thể trào ra gây nhiễm trùng ổ bụng.
Với sự nỗ lực của cả ê kíp, cuối cùng ca mổ thành công sau hơn 5 tiếng. Khi kết thúc mũi khâu cuối cùng, các bác sĩ và cả người nhà bệnh nhân mới thở phào nhẹ nhõm.
Theo bác sĩ Nam, không chỉ trường hợp trên, hiện nhiều người có thói quen không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu bia, ăn quá nhiều đồ chiên rán, nội tạng động vật. Đây đều là yếu tố nguy cơ dẫn tới các bệnh lý về đường tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa.
Bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế mắc phải các bệnh lý về đường tiêu hoá, mọi người nên thực hiện lối sống, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E. hạn chế ăn đồ ăn mặn vì chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất độc nguy cơ gây ung thư, hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên: Qua chế biến các thức ăn này chứa rất nhiều chất độc gây ung thư.
Bạn cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích: Sử dụng những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh ung thư không chỉ riêng ung thư dạ dày. Bạn cần có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ. Quan trọng nhất là tầm soát ung thư để bảo vệ sức khỏe của mình, nếu được phát hiện sớm, bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát tốt, chất lượng điều trị hiệu quả rất cao.
Bệnh về đường tiêu hóa đứng top đầu trong các bệnh nội khoa tại Việt Nam. Số người thực nhiễm bệnh về tiêu hóa hiện lên đến gần 10% dân số, từ nhẹ như táo bón, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, ợ hơi, trướng bụng đến nặng hơn như viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, ung thư... Số bệnh nhân đang có xu hướng tăng cao do ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm và thói quen ăn uống, làm việc, sinh hoạt thiếu khoa học.
Hệ tiêu hóa trong cơ thể người dài khoảng 7,5m, đi qua nhiều bộ phận như khoang miệng, thực quản, dạ dày, ruột, gan, tuyến tụy, túi mật và có nhiều chức năng quan trọng như chứa thức ăn, tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng, đào thải. Các bệnh về tiêu hóa hiện ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và công việc của người bệnh. Song, nhiều người vẫn thờ ơ, chưa điều trị kịp thời và dứt điểm, dễ gây ra những biến chứng nặng, thậm chí ung thư.