Hội đồng xét tặng giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 công bố danh sách xét chọn 10 gương mặt trẻ tiêu biểu và 10 gương mặt trẻ triển vọng.
Trong đó, Phạm Ngọc Anh Tùng (32 tuổi), Giám đốc Cty CP Công nghệ và Thương mại UFO (Foodmap Asia) góp mặt trong danh sách ở lĩnh vực kinh doanh khởi nghiệp.
Phạm Ngọc Anh Tùng là cái tên không lạ với giới công nghệ Việt Nam. Anh từng được mệnh danh là chàng trai robot với nhiều sáng chế.
Phạm Ngọc Anh Tùng (SN 1989, Thừa Thiên-Huế) chưa tốt nghiệp đại học. Anh Tùng vốn là “chàng trai robot” của lớp kỹ sư tài năng khoa Điện tử - Tự động ĐH Bách khoa TP.HCM, có nhiều sáng chế ứng dụng công nghệ. Năm học thứ 3, anh quyết định rời trường để theo đuổi đam mê trong lĩnh vực ứng dụng tự động hóa vào nông nghiệp cho các tập đoàn.
Anh Tùng chọn vùng Cầu Đất, Đà Lạt để thực hiện ước mơ công nghệ. Cái duyên với nông nghiệp đã đưa chàng trai trẻ đến với vai trò Giám đốc Cầu Đất Farm Đà Lạt trong 3 năm.
Phạm Ngọc Anh Tùng - nhà sáng lập FoodMap. (Ảnh: Enternews)
3 năm làm ở nông trại Cầu Đất, Tùng được nuôi dưỡng tình yêu với nông nghiệp. Anh Tùng có cơ hội đến 15 quốc gia để tập huấn, học tập và nghiên cứu các mô hình nông nghiệp. Từ một người học kĩ thuật, rẽ ngang, anh đi sâu vào các chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp. Anh đã có một quyết định táo bạo là xin nghỉ vị trí giám đốc nông trại để nghiên cứu đưa công nghệ vào lĩnh vực này.
Rời Cầu Đất Farm, Phạm Ngọc Anh Tùng có hơn một năm đi tới nhiều quốc gia trên thế giới, tham quan các mô hình nông nghiệp, lang thang ở các siêu thị lớn. Anh tới nhiều nơi nhưng hầu như không thấy bóng dáng thực phẩm, nông sản của Việt Nam.
Và những suy nghĩ, trăn trở cộng với "máu" tự động hóa sẵn, những trải nghiệm của bản thân trong nông nghiệp đã thúc đẩy Phạm Ngọc Anh Tùng thành lập ra FoodMap.
Tháng 12/2018, FoodMap khởi đầu từ một căn phòng nhỏ tại TP.HCM. Hành trình từ khởi đầu đến lúc gọi vốn thành công là chuỗi ngày tháng đầy thử thách. Tùng "đau đáu" tìm lời giải xây dựng sàn thương mại điện tử kết nối giữa người mua và người bán. Đến làm việc với nông dân, anh phải đối diện với hàng loạt thắc mắc lẫn hoài nghi về khả năng bán được hàng, thu mua giá cao, được mùa không “rớt” giá…
FoodMap kết nối nông dân với người tiêu dùng. (Ảnh: Tiền phong)
Vào những thời điểm khó khăn, chàng trai 8X luôn kiên định quan điểm: FoodMap, nhà sản xuất và nông dân cùng mang lại giá trị cho nhau, cùng xây dựng những câu chuyện thật, sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng.
Theo đó, FoodMap được xây dựng theo phương châm: đưa sản phẩm nông sản từ trang trại thẳng tới bàn ăn, bớt trung gian, để người nông dân và người tiêu dùng cùng được lợi nhất. FoodMap thực sự đã trở thành cầu nối để người nông dân có đầu ra cho sản phẩm với giá cả hợp lý. Gần 1 năm rưỡi kể từ khi thành lập, FoodMap hiện đang liên kết với hàng trăm hộ nông dân tại Đà Lạt, miền Tây… đồng hành cùng họ để tạo ra những sản phẩm tốt nhất.
Đến nay, chuỗi hệ thống FoodMap đã kết nối với hơn 500 nhà sản xuất, hơn 2.000 hộ nông dân ở 40 tỉnh thành trên toàn quốc. Chuỗi hệ thống có hơn 2.000 sản phẩm được bán, chủ yếu là nông sản tươi, trái cây, đặc sản và các mặt hàng thân thiện với môi trường, người sử dụng.
FoodMap hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, cũng như xúc tiến đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử quốc tế Amazon…
Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, FoodMap hoạt động rất hiệu quả với tỷ lệ khách hàng mua hàng online tăng đột biến. Phạm Ngọc Anh Tùng cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy FoodMap đang đi đúng hướng.
Cuối năm 2020, sau khi gọi thành công hơn nửa triệu USD từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners (Singapore), Anh Tùng đã thử nghiệm mô hình cửa hàng trải nghiệm đầu tiên O2O2O (online to offline to online) tại TP.HCM. Đây là phiên chợ thử nghiệm về đặc sản nông nghiệp. Các đơn vị tham gia gian hàng được trưng bày miễn phí, được hỗ trợ nâng cao nhận diện thương hiệu trên các nền tảng trực tuyến.