Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiệm, 85 tuổi, ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội mặc quân phục, rời nhà từ 5h, đón xe đến nhà tang lễ để viếng nhà lãnh đạo xuất sắc của dân tộc. “Nghe tin Tổng Bí thư mất tôi buồn lắm! Mấy hôm nay tôi không ngủ được, chỉ mong đến ngày để viếng bác Trọng. Tôi rất kính trọng Tổng Bí thư bởi bác là người có tâm, có tầm, luôn quan tâm, đề cao lợi ích của Nhân dân”, ông Kiệm xúc động nói.
Có mặt ở khu vực nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông từ 5h sáng, bà Nguyễn Thị Dung (71 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Tổng Bí thư ra đi, tôi và cả triệu người dân Việt đều chung nỗi buồn. Tôi cùng một số người bạn có mặt từ sớm, chuẩn bị sẵn căn cước công dân, xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư. Dù xếp hàng chờ bao lâu chúng tôi cũng đợi. Tổng Bí thư đã một đời hy sinh cho Nhân dân, chúng tôi có chờ vài tiếng cũng không sao".
Đại diện nhóm cựu sinh viên lớp Văn khóa 8, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho biết, hầu hết mọi người đêm qua đều thức trắng, chờ đến giờ được đi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người học trò hiền lành của khóa học 1963 - 1967. Cả nhóm vẫn nhớ như in những kỷ niệm ngày đi học, đi họp lớp cùng với Tổng Bí thư, nói chuyện với nhau đầy ấm áp, chân tình, không có khoảng cách. "Anh Trọng ơi, hôm nay về họp lớp, anh nói chữ tình nặng lắm, thầy tặng anh đôi câu đối chữ Hán sưu tầm được 'Thế gian vạn sự giai bào ảnh/ Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình'. Nghĩa là trên đời này mọi sự mọi việc cuối cùng rồi chỉ là bọt bèo, ảo ảnh. Nghìn kiếp qua đi, cái còn lại chỉ là cái tình với nhau thôi, tình đời tình người", đại diện nhóm nhớ lại lời Tổng Bí thư từng nói.
Mong được thắp cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nén hương, chị Hồ Thị Cúc địu theo con gái, cùng người thân đến Nhà tang lễ Quốc gia xếp hàng. "Ngày hay tin Tổng Bí thư mất, tôi cảm thấy như mình mất đi điều gì đó, tâm trạng hụt hẫng kèm nỗi buồn khó tả", chị bật khóc, kể lần thứ hai trong đời cảm nhận rõ điều ấy khi dự lễ Quốc tang. Lần đầu vào 11 năm trước, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Chị Cúc năm ấy 26 tuổi, hòa cùng dòng người xếp hàng đợi vào nhà 30 Hoàng Diệu.
Bà Tạ Thị Lê (77 tuổi, ở Kim Bảng, Hà Nam) một mình đón xe khách về Hà Nội để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. "Từ hôm nghe tin Tổng Bí thư mất, tôi nhất quyết phải đến để thắp nén hương cho Tổng Bí thư. Tôi cũng chuẩn bị một bài thơ, đợi được vào viếng tôi sẽ đọc cho Tổng Bí thư nghe lần cuối", bà Lê nói.
Theo kế hoạch, cuối giờ chiều Ban tổ chức sắp xếp cho người dân vào viếng Tổng Bí thư nhưng nhiều người vẫn kiên trì xếp hàng dài trước khu vực nhà tang lễ.
Người dân vào khu vực viếng phải qua khu vực kiểm soát an ninh và kiểm tra căn cước công dân.
Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Đông Anh, Hà Nội) hàng nghìn người khắp nơi có mặt từ sớm, xếp hàng theo hướng dẫn vào viếng. Anh Đỗ Văn Chi (53 tuổi) đi xe máy từ Hưng Yên lên Hà Nội lúc 2h sáng. Đến nơi vẫn chưa thấy có người nên anh tìm tới UBND xã Đông Hội với mong muốn được sắp xếp cho ghép đoàn vào viếng. "Với tôi, Tổng Bí thư là người yêu thương nhân dân. Nếu hôm nay mong được vào viếng Tổng Bí thư, tôi sẽ đợi đến ngày mai", anh Chi nói.
Nhiều người cao tuổi dù đến từ sớm chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cụ bà này vịn cả hai tay vào cô gái phía trước, mắt hướng về nơi tổ chức lễ viếng.
Người dân làng Lại Đà vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lặng lẽ và trang nghiêm, người dân xếp hàng theo sắp xếp của lực lượng chức năng.
Nỗi buồn, thương tiếc hiện rõ trên gương mặt từng người khi đứng trước di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Người dân đến làng Lại Đà từ mờ sáng để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.