Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 với chủ đề "Dòng chảy" - kết nối và tôn vinh giá trị chuyển dịch mới từ nền tảng di sản và cộng đồng sáng tạo diễn ra ngày 17/11 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm và nhiều địa điểm khác ở Hà Nội.
Trong đó, điểm nhấn chính là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thuộc phường Ngọc Lâm, quận Long Biên (Hà Nội). Đêm 17/11, rất đông người dân, khách du lịch hào hứng tham gia vào chuyến tàu "Hành trình di sản" đi từ ga Hà Nội đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm tham quan, tìm hiểu về cơ sở công nghiệp cơ khí đường sắt lớn nhất miền Bắc này. Đồng thời, chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo và cuốn hút.
Chị Lê Hương Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị và nhóm rất vui khi đăng ký thành công chuyến đi trải nghiệm từ ga Hà Nội đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm tham quan cũng như tìm hiểu về lịch sử phát triển của nhà máy xe lửa có tuổi đời 120 năm. Theo chị Mai, không gian Nhà máy xe lửa Gia Lâm như sống lại khi được các hoạ sĩ sắp đặt những tác phẩm điêu khắc, tranh trên dải lụa, graffiti…
Tại đây diễn ra lễ khai mạc và hàng loạt sự kiện âm nhạc, nghệ thuật, cũng như trưng bày về lịch sử nhà ga, nhằm khơi dòng chảy di sản, nhất là các di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo.
Khuôn viên nhà máy bao gồm phân xưởng 3B1, 3B2, 5B hay trạm điện 33B... biến thành các không gian triển lãm với 16 phân khu kết hợp hiệu ứng thị giác độc đáo.
Triển lãm sắp đặt nghệ thuật "Tiếng gọi" của họa sĩ Thu Trần với những dải tranh vẽ dài 40 - 60m được treo trên trần phân xưởng 3B1.
Nghệ sĩ tự do Trịnh Minh Tiến cho biết, triển lãm của lễ hội năm nay có tên gọi "Thủy phủ", sử dụng những nắp ca pô ô tô, vỏ ô tô để tạo những khối điêu khắc 3D. Không gian triển lãm được chia 3 phần chính: Trưng bày những tác phẩm trên nắp capo ô tô; Không gian siêu thực trưng bày sắp đặt ô tô; Không gian biến ảo thực tại trưng bày điêu khắc "Ý niệm" được tạo hình bằng vỏ ô tô.
Họa sĩ Minh Tiến sử dụng hai hình tượng một mạnh mẽ, một dịu dàng, mang đến thông điệp đời sống phát triển càng nhanh, mạnh, con người càng mong manh và dễ tổn thương hơn. Triển lãm là sự kết nối hàn gắn vết thương, cũng như mong muốn chúng ta trân quý hơn các giá trị ở hiện tại.
Bên cạnh đó là những tác phẩm Mường hình cảnh cá, tâm được làm từ các vật liệu tự nhiên như: tre, trúc…của tác giả Võ Tấn Tân (chủ xưởng tre Taboo Bamboo, TP Hội An).
Chị Vũ Ngọc Anh làm việc tại Heritage Space cho biết, để làm ra được những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chị và rất nhiều nghệ sĩ khác đã tận dụng chất liệu có sẵn ở nhà máy để tương tác với nghệ thuật trong không gian triển lãm. “Lễ hội là dịp để các đơn vị nghệ thuật chúng tôi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Thông qua đây chúng tôi muốn đưa nghệ thuật đến gần hơn với mọi người”, chị Ngọc Anh nói.
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được người Pháp xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1905. Năm 1954, nhà máy về tay chính quyền cách mạng. Năm 1970 được Chính phủ đầu tư xây dựng lại, kinh phí do chính phủ Ba Lan viện trợ.
Khuôn viên của nhà máy rộng hơn 20,3ha, trong đó gần 5km đường ray khổ 1m và 1,435m dẫn vào các nhà xưởng, nối thẳng với ga Gia Lâm và hòa vào hệ thống đường sắt quốc gia, 6 xưởng sản xuất và khu nhà điều hành, kho chứa vật liệu, nhà nghỉ giữa ca, hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, 10 trạm cung cấp điện, đường giao thông nội bộ, hồ điều hòa lớn kết hợp phục vụ chữa cháy, khuôn viên cây xanh, sân thể thao.
Hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà xưởng đã được Ba Lan hỗ trợ đầu tư đồng bộ, được thiết kế theo đặc thù của đường sắt để đáp ứng công suất tối đa là đóng mới gần 1.200 toa xe, sửa chữa hơn 120 đầu máy và 600 toa xe/năm.