Hơn 30 năm trước, trong chuyến công tác dài ngày ông Hùng (hiện 60 tuổi) quen cô gái tên Lan. Thời điểm này, Lan chưa lập gia đình nhưng ông Hùng đã có vợ và hai cô con gái.
Làm việc với nhau một thời gian, Lan đem lòng yêu Hùng và họ đã đi quá giới hạn. Cô có bầu nhưng không nói cho ông Hùng biết. Mãi cho tới khi sắp sinh, cô mới báo tin. Nghe xong ông bàng hoàng, sốc nặng, sợ tin này ảnh hưởng đến cuộc sống êm ấm của gia đình. Ông cũng không tin đứa trẻ là con của mình. Sự phân vân này khiến Lan tức giận, thề sẽ cắt đứt mọi quan hệ.
Nhân viên xét nghiệm ADN tại Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền. (Ảnh: CGAT)
Lan sinh con và sống với cha mẹ, kinh tế thiếu thốn chồng chất, cô phải gửi con cho ông bà ngoại để lên đường đi xuất khẩu lao động. Trước khi đi, cô dặn cha mẹ: “Nếu ai đó tên Hùng đến nhận con, bố mẹ tuyệt đối không giao vì đây không phải là con của anh ta”.
Đúng là thời gian sau, người đàn ông tên Hùng trở lại tìm cô. Ông thấy một bé trai ngồi chơi và linh cảm đó đúng là con trai mình, dò hỏi mới biết Lan đi làm việc bên Hàn Quốc, gửi bé cho ông bà trông nom. Ông kể tường tận mọi chuyện cho hai cụ nghe, mong các cụ tha thứ và cho nhận con về chăm sóc. Bố mẹ Lan cũng kiên quyết từ chối, nói đúng như những gì Lan dặn trước khi ra nước ngoài.
Về nước với có chút vốn dành dụm được, Lan mở một quầy bán hàng lưu niệm nhỏ mà khách hàng đa phần là người ngoại quốc. Không lâu sau, cô bị bệnh hiểm nghèo, bệnh tình ngốn gần hết số tiền tích cóp được.
Sợ khi qua đời, con vốn đã không cha, giờ mồ côi mẹ sẽ bơ vơ, không nơi nương tựa, dù rất đau lòng nhưng Lan đã trao con cho một cặp vợ chồng hiếm muộn người Pháp mà cô quen khi họ ghé thăm quầy hàng. Cô nghĩ chỉ như vậy thì con trai mới mong có tương lai tươi sáng, cô mới yên tâm nhắm mắt xuôi tay. Sau đó ít lâu, Lan qua đời.
Lúc này, ông Hùng nhớ đến con trai nhỏ năm xưa và tìm đến nhà Lan. Biết hoàn cảnh của Lan, trước khi ra về, ông gửi lại họ hàng Lan một cuốn sổ nhỏ ghi thông tin về mình, với hy vọng một ngày nào đó, người con sẽ tìm về quê hương và tha thứ cho ông.
Việc giám định ADN dựa trên nguyên lý cơ bản là tính đặc trưng cá thể. (Ảnh: CGAT)
Ở nước Pháp, cậu bé Tony có cuộc sống đầy đủ, nhưng có một thứ càng lớn anh càng khao khát đó là mong gặp lại cha mẹ đẻ mình. Anh tìm mọi cách để hòa nhập với cộng đồng người Việt bên Pháp. Anh đăng tải các thông tin về mình lên facebook và bày tỏ khát khao tìm về quê mẹ, mong được mọi người giúp đỡ.
Một hướng dẫn viên du lịch người Việt tên là Huy nhiệt tình giúp đỡ anh. Những thông tin mà bố mẹ nuôi của anh cung cấp được Huy ghi chép đầy đủ. Khi quay lại Việt Nam, Huy cất công tìm về nơi mẹ Tony sinh sống năm xưa. Cuối cùng anh cũng tìm được và biết tin mẹ của Tony không còn nữa. Rất may người họ hàng vẫn giữ gìn cuốn sổ nhỏ mà ông Hùng để lại cách đây vài năm. Từ các thông tin trong đó Huy tìm gặp ông Hùng, sau đó báo tin vui cho Tony.
Ngày Tony về Việt Nam, cả gia đình của ông Hùng ra tận Sân bay Nội Bài đón. Trên đường ra sân bay, Huy gợi ý ông Hùng nên đi xét nghiệm ADN để yên tâm 100% đó là con của ông. Tony cũng đồng ý. Kết quả giám định, ông Hùng và Tony có cùng huyết thống, Tony chính là con ruột của ông Hùng.
"Tony sung sướng trào nước mắt, ông Hùng đến bên ôm hôn lên mái tóc của con, tất cả chúng tôi ai cũng ngậm ngùi", thạc sĩ Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội) nói.
Câu chuyện trên là một trong ít những câu chuyện xúc động phía sau labo xét nghiệm mà bà Nga ghi nhớ tới tận bây giờ. trong số những câu chuyện nhiều xúc cảm.