Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) vừa tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho người đàn ông 61 tuổi ngộ độc sau khi ăn so biển.
“Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc nguy kịch, được xử trí cấp cứu thải độc, giảm tiết, rửa dạ dày, cân bằng dịch điện giải. Sau một ngày, bệnh nhân tỉnh táo, các triệu chứng ngộ độc thuyên giảm, tiếp tục theo dõi”, bác sĩ Nguyễn Sỹ Mạnh, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết.
So biển có hình dáng giống con sam nên nhiều người hay nhầm lẫn và bắt so về ăn.
Độc tố Tetrodotoxin có trong con so biển tập trung chủ yếu ở buồng trứng. Vào mùa sinh sản, độc tố này có nồng độ càng cao.
Điểm khác nhau nổi bật nhất giữa sam và so đó là đuôi.
Tetrodotoxin có độc tính rất mạnh, bền vững với nhiệt. Các biện pháp chế biến không đảm bảo loại trừ hết nguy cơ gây ngộ độc. Độc tố ảnh hưởng chủ yếu trên thần kinh (đặc biệt là liệt), tim mạch và tiêu hóa.
Theo bác sĩ Mạnh, chỉ với liều độc rất thấp đã có thể gây rối loạn cảm giác như tê môi, lưỡi, tay, chân, liệt các cơ vận động, cơ hô hấp, giãn đồng tử, nôn, đau bụng, tiêu chảy, có thể gây rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp. Độc tố khiến bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, thiếu oxy não, tổn thương thần kinh và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không được ăn so biển, kể cả trứng và thịt. So biển có hình dạng rất giống sam biển, do đó trước khi chế biến, người dân cần nhận diện, phân biệt chính xác.
Hiện không có thuốc giải độc đặc hiệu. Khi phát hiện người bị ngộ độc do ăn so biển với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, trạng thái thần kinh li bì, toàn thân biểu hiện mệt mỏi nên nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.