Những ngày cuối năm, trong chuyến công tác từ Cần Thơ đến thị trấn Kiên Lương (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), nghe hai người đàn ông trong quán cà phê ngồi kể chuyện lão mù Chín Liều có biệt tài lặn biển, tay không bắt cá, tò mò, tôi lân la sang bàn bên tham gia vào.
Thấy có người lạ hứng thú với câu chuyện, người đàn ông bàn bên khẳng định: “Ở xứ biển Ba Hòn này ai mà không biết ông Chín Liều. Không tin, uống cà phê xong tôi dắt chú em gặp ông Chín Liều. Giờ này ổng đang ngoài biển đó. Tôi chở ra cho chú em gặp, không bắt trả tiền thù lao đâu, đi không?”.
Người miền Tây là thế, hai người xa lạ bỗng trở nên thân thiết từ một cậu chuyện rất tình cờ. Tôi lấy xe máy chở người đàn ông vừa mới quen về căn chòi ven biển theo hướng dẫn. Trên đường đi, người đàn ông giới thiệu tên Huỳnh Văn Do (làm nghề nuôi nghêu ven biển Ba Hòn Cò).
Sau khi khóa xe cẩn thận, ông Do dẫn tôi ra chiếc vỏ lãi và chở tôi dọc bờ biển để tìm ông Chín Liều.
Ông Huỳnh Văn Do.
Cuộc đời đẩy đưa lão mù gắn bó với biển
Giữa trưa nắng, sóng trên mặt biển ở Ba Hòn Cò hết đợt này đến đợt khác. Sau vài phút di chuyển trên vỏ lãi, ông Do chỉ tôi về hướng chiếc thùng nổi nhấp nhô trên mặt biển và nói: “Cái thùng đó của ông Chín Liều, ổng đang lặn ở đó”.
Chút sau, một người đàn ông khiếm thị ngoi lên mặt nước. Một tay vuốt mặt, tay còn lại cầm con cá đang quẫy đuôi như muốn tìm cách thoát thân.
“Ông Chín ơi, có cậu thanh niên muốn ra xem ông lặn biển bắt cá nè”, ông Do nói lớn.
Ông Chín Liều vừa ngoi lên khỏi mặt nước.
Ông Chín Liều bỏ con cá vào cái thùng rồi quay về hướng chúng tôi cười hỏi:“Anh út Do đó hả?”.
Một phần vì sợ làm cản trở công việc của ông Chín Liều, một phần muốn có thời gian mục sở thị cảnh người đàn ông mù lặn biển xem có đúng như lời đồn không, tôi vội hẹn ông Chín Liều khi nào xong việc, mời ông vào bờ để trò chuyện.
“Chú chờ tôi chút nữa nha chú”, ông Chín Liều nói, rồi lấy tay vuốt mặt, hít hơi thật sâu. Không đồ bảo hộ, không ống hơi, ông Chín Liều lặn mất hút.
Theo quan sát của tôi, chưa đầy 30 giây sau, người đàn ông khiếm thị lại ngoi lên, tay cầm mấy con vẹm và nhanh nhẹn bỏ vào thùng.
Ông Chín Liều cười tươi khoe mấy con vẹm vừa bắt được.
Thấy tôi có vẻ quyết tâm muốn tìm hiểu về câu chuyện của ông Chín Liều, ông Do liền nói lớn: “Tôi chở thằng em vô chòi của tôi đợi ông nhé ông Chín. Tranh thủ vô uống ly nước nói chuyện chút rồi đi lặn tiếp. Chứ chút ông bơi ra xa cậu em này chờ ông tới chiều luôn à!”.
Tôi theo ông Do trở về căn chòi để chờ gặp ông Chín Liều. Theo lời ông Do, mỗi ngày ông Chín Liều sẽ lặn biển từ 9h sáng đến 3h chiều. Trước hoàn cảnh của ông Chín Liều, người trong vùng vừa quý mến vừa nể phục.
“Người ta sáng mắt lặn biển phải có ống thở, có dụng cụ để bắt cá còn ổng dùng tay không bắt cá. Hồi đầu mới biết ổng, tôi cố tình đẩy vỏ lãi ngay chổ ổng lặn ngồi coi ổng bắt dính hải sản thật không. Ai ngờ ổng bắt dính được.
Có mấy lần ổng bắt được con cá ngát nặng mấy ký luôn đó. Tài thiệt, kêu tôi tay không lặn xuống biển tôi không bắt được cua được cá như ổng đâu. Chút nữa kêu ổng nói cách bắt cá bắt cua cho nghe. Nghe thì dễ ợt chứ đố có ai làm được như ổng”, ông Do nói.
Khoảng 30 phút sau, thấy bóng dáng ông Chín Liều tay cầm cái thùng chầm chậm bước đi phía bãi biển, ông Do vội chay ra dắt ông Chín vào chòi.
“Dưới biển ổng bơi hay lắm. Nói chỗ nào là ổng biết chỗ đó chứ lên bờ ổng dở lắm. Tôi chạy ra dắt ổng vào cho nhanh”, ông Do nói.
Được ông Do giới thiệu có người muốn nghe ông mù kể cách lặn biển bắt cá, ông Chín Liều vừa cười vừa lấy tay gãi gãi cái chân đầy sẹo và bắt đầu câu chuyện với tôi.
Ông Chín Liều tên là Vương Hoài Ân (59 tuổi). Khi chào đời, ông cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác nhưng chẳng may biến cố ập đến năm lên 7 tuổi.
“Năm đó tôi bị đau ban, không tiền điều trị nên mắt mờ dần rồi mù loà. Hồi đó cha mẹ nghèo xác xơ, lại đông con. Tui bị bệnh, cha mẹ cũng chạy chữa nhiều nhưng không hết. Chấp nhận hay không thì tui đành chịu sống mù lòa”, ông Chín nhớ lại.
Nghĩ đến cha mẹ và anh chị em nghèo quá nên năm 9 tuổi, ông Chín Liều phải tìm cách tự kiếm sống và xin gia đình cho tập đi biển. Ban đầu ông chỉ dám theo cha xuống bãi biển giăng câu gần bờ.
“Lúc đầu, người ta nói cái thằng nhỏ này nó điên, mù mà ra biển bắt cá khác nào tìm đường chết. Nói thiệt lúc đó không làm lấy gì sống nên tôi làm liều”, ông Chín Liều nói.
Quen dần với mùi biển, cậu bé mù lại liều mình xin theo mấy người anh đi làm ngư phủ. Ban đầu, chủ ghe chần chừ không muốn nhận một người khiếm khuyết về đôi mắt nhưng thấy hoàn cảnh đáng thương nên chủ ghe quyết định cho ông theo ghe ra biển thử một chuyến.
“Đi xuống tàu lần đầu còn hơi khó nhưng đi 1 chuyến rồi mấy chuyến sau tôi đi đứng bình thường. Thấy tôi mù vậy, chứ xuống ghe tôi cũng làm công việc tốt lắm. Đánh lưới, bủa lưới, buộc lưới, vá lưới gì cũng làm được hết. Mình nghe người ta chỉ, sờ vào xem người ta làm ra sao, rồi mình học theo là làm được”, ông Chín Liều chân chất kể.
Năm 2000, ông Chín Liều thôi đi theo tàu biển. Ông dùng số tiền tích góp nhiều năm mua mảnh đất nhỏ, xây nhà rồi chuyển sang nghề lặn biển bắt hải sản.
“Tôi sắm chiếc xuồng nhỏ làm nghề lặn biển ở hòn Móng Tay. Đến năm 2015, tôi vào Kiên Lương mua được miếng đất nhỏ, làm cái nhà tiền chế từ số tiền tích góp sau bao năm đi biển. Từ đó đến nay, tôi quanh quẩn ở khu vực Ba Hòn Cò này để lặn biển, bắt hải sản kiếm sống qua ngày”, ông Chín Liều kể.
Bí quyết tay không bắt hải sản
Trước thắc mắc vì sao con cá đang bơi dưới biển mà một người khiếm thị có thể bắt được, ông Chín Liều cười lớn. Từ lúc gặp ông Chín Liều, lúc nào trên gương mặt của người đàn ông này cũng nở nụ cười hiền hoà, đầy sức sống.
Ông nói: “Con cá đang bơi sao mà bắt được. Có khi đang lặn cá bơi trúng ngang tôi cũng đâu bắt được đâu. Tôi bắt cá bắt cua khi nó đang nằm trong hang hay vùi mình trong bùn, cát. Dựa vào đặc tính của từng loài để bắt”.
Ông Chín Liều sống lạc quan và luôn nở nụ cười trên môi.
Kéo cái thùng nhựa sát người, tay ông Chín Liều sờ vào thùng rồi lấy ra cây búa, một miếng lưới được vò, buộc lại thành cục bự bằng bắp tay và một chai nước. Ông Chín Liều cho biết cái thùng là để ông đựng dụng cụ và hải sản bắt được. Khi lặn, ông dùng sợi dây buộc vào người, đầu còn lại buộc vào cái thùng thả nổi trên mặt biển. Cây búa là dùng để đục con hàu.
“Cái cục lưới này tôi dùng để bắt cua. Khi phát hiện có cua nằm trong hang đá tôi lặn xuống, một tay đưa cái cục lưới này lại hang. Con cua đưa càng kẹp vào cục lưới thì tôi nhanh chóng bắt lấy nó bằng tay còn lại để không bị kẹp. Còn cái quan trọng nhất trong thùng đồ nghề là chai nước. Cả ngày lênh đênh trên biển đói chút cũng được chứ không có nước uống không có sức đâu mà làm. Mọi hôm tôi có đem theo cái lưới văng bắt cá nữa nhưng nay không có mang theo”, ông Chín Liều kể.
Thùng đồ nghề và chai nước ông Chín Liều mang theo mỗi lần đi biển.
Người đàn ông mù thật thà cho rằng bản thân không có khả năng đặc biệt gì. Vì cuộc sống mưu sinh nên ông phải cố gắng nhiều hơn người bình thường. Lúc mới bắt đầu lặn biển để bắt hải sản ông Chín Liều cũng chỉ bắt được vài ba con ốc, con sò. Có những khi cả ngày ngâm mình dưới nước ông cũng chẳng mò được gì.
“Ban đầu tôi chỉ bắt được mấy con nằm yên dưới đáy biển như ốc, sò chứ mấy con di chuyển như cá, tôm, mực... tôi không bắt được. Sau 5, 6 năm, tôi mới có thể bắt được chúng”, ông Chín Liều kể.
Khiếm khuyết về đôi mắt, ông Chín Liều dùng đôi tai để nghe, đôi chân để cảm nhận, ghi nhớ những thứ nằm dưới biển. Ông luôn quan niệm, việc chỉ khó khi bản thân chưa từng làm và không chịu làm, còn nếu thử làm thì sẽ thành việc dễ. Quan niệm ấy giúp ông Chín Liều “làm liều” và vượt qua các khó khăn trong cuộc sống.
“Dưới biển có loài trú trong các kẽ đá, hang đá, có loài vùi mình dưới bùn, dưới cát. Mình lặn nhiều năm rồi ghi nhớ lại đặc tính từng loài để đoán khả năng dưới lớp đất đá mà mình đang chạm vào có thể có loài gì mà dùng thế khác nhau để bắt. Chân tôi chạm vào dưới đáy biển và cảm nhận, dùng tai để nghe. Mỗi loại đá khác nhau sẽ có âm thanh khác nhau khi tôi chạm tay, chân vào. Nghe hướng gió, nghe tiếng sóng để xác định đâu là bờ”, ông Chín Liều miêu tả
Theo ông Chín Liều, nhiều năm ngụp lặn dưới biển, không ít lần ông đối mặt với hiểm nguy, tưởng chừng sẽ mãi nằm lại dưới đáy biển.
Đó là lần biển động, ông xác định nhầm phương hướng, để rồi đáng lẽ ra phải bơi vô bờ thì ông lại bơi ngược ra xa. Lần đó ông lênh đênh trên biển mấy tiếng đồng hồ. Đến 8 giờ tối, khi người đã mệt rã, ông mới bơi vô được bờ.
Ông kể, việc bắt cá không phải không có nguy hiểm. Nhiều loài cá có gai nếu không biết xử lý sẽ dễ bị thương. Nhưng bị một vài lần, những lần sau sẽ tránh được.
Ông Chín lấy ví dụ, con cá ngát có 3 gai, phải đưa tay sâu xuống đáy móc ngược lên. Khi tay móc vô mang nó, nó không vẩy được. Nếu bắt ngang, cá sẽ vùng vẫy, gai đâm vào ngón tay rất đau.
Để minh chứng cho điều này, ông chỉ cho tôi mấy vết sẹo cũ trên đôi tay.
“Nhớ lần đó tôi bắt được con cá ngát bự mà không biết thế bắt. Vừa ngoi lên mặt nước con cá nó vẩy mạnh, gai đâm sâu vô bàn tay. Đau quá con cá bơi mất, chạm vô chỗ viết thương thấy đứt sâu tới xương. Tôi cố gắng bơi vô bờ tìm người để nhờ giúp băng vết thương lại”, ông Chín nhớ lại những lần gặp nạn.
Thích làm thơ và mong ước lặn biển thêm 10 năm
Nằm lắc lư trên võng, nghe ông Chín Liều kể bí kíp bắt cá, tôi còn được biết thêm rất nhiều biệt tài của người đàn ông mù này. Dù ông không được đi học nhưng lại biết làm thơ nghe rất vấn, rất điệu.
Một trong những bài thơ do chính ông Chín Liều tự sáng tác.
“Tôi làm thơ trong lúc ngồi ngẫm lại cuộc sống. Người ta làm thơ lục bát, bát cú gì đó còn tôi nghe thơ tôi tự làm nhưng không theo quy tắc nào hết. Hồi đó tới giờ tôi làm được gần 20 bài thơ rồi”, ông Chín Liều nói.
Kể thêm chuyện đời mình, ông Chín cho biết, lúc còn trẻ ông cũng từng yêu một cô gái nhưng ông không dám tính chuyện trăm năm.
Ngày đó ông còn trẻ, mới hơn 20, tình yêu chớm nở nhưng do gia đình nghèo khó, lại khiếm khuyết về đôi mắt nên ông rất tự ti về bản thân. “Thương thì thương nhưng không biết sống với nhau rồi có chịu nổi không. Tôi kêu cố ấy đi tìm người tốt hơn để đời còn tương lai, không phải khổ về sau này”, ông Chín Liều kể.
Không có vợ, ông Chín Liều nhận con nuôi là chị Vương Thị Kim Vui và cưu mang cho đến lúc trưởng thành.
Ông kể, cha của chị Vui là anh trai thứ ba của ông. Hồi đang ở Hòn Móng Tay, khi anh ba mất, ông Chín thương cháu, nhận Vui làm con nuôi.
“Năm nay nó 36 tuổi, đã có chồng con rồi. Gia đình nó đang sống chung với tôi. Nó kêu tôi nghỉ ngơi đừng đi lặn nữa nó nuôi nhưng tôi quen rồi, bỏ nghề không được”, ông Chín Liều nói.
Nói tới đây ông Chín Liều bổng im lặng một hồi lâu.
“Trời lấy của tôi đôi mắt nhưng cũng còn thương cho tui khỏe mạnh đến giờ. Nhưng đợt rồi, tôi mới phát hiện mình bị tiểu đường, phải đi khám bệnh định kỳ và uống thuốc. Tôi chỉ ước, tôi còn đủ sức khoẻ để đi lặn biển thêm tầm 10 năm nữa chứ đừng bắt tôi phải ngồi một chỗ”, ông Chín Liều nói.
Trò chuyện với tôi một lúc, tôi ngỏ ý mời ông Chín Liều đi ăn cơm trưa nhưng ông từ chối và hẹn dịp khác.
“Giờ tranh thủ lặn đến 3h, ăn vô xuống biển dễ bị ói lắm. Chiều nào chú rảnh thì ghé anh Út Do, kêu ảnh dẫn qua nhà tôi. Tôi mời chú mấy con cá, ốc tôi bắt được. Đồ biển bắt lên ăn liền ngon lắm. Thôi tôi đi làm tiếp”, ông Chín Liều nói, rồi vẫy tay chào tôi đi ra phía biển.
Bóng lưng người đàn ông ở ngưỡng 60 chầm chậm khuất dần theo tầm mắt, nhưng câu chuyện về lão mù mưu sinh bằng nghề lặn biển vẫn cứ in hằn trong tâm trí tôi trên chuyến xe từ Kiên Giang xuôi về Cần Thơ.