Anh Abdul Rahim ở Pinrang (Sulawesi, Indonesia) đã đăng tải một video lên mạng xã hội. Trong đó, anh ta tuyên bố rằng mình đã được tiêm 14 mũi vaccine Sinovac thay cho nhiều người khác.
Rahim cho biết anh ta được trả từ 100.000-800.000 rupiah (7-56 USD) cho mỗi lần tiêm. Khách hàng của Rahim là những người sợ chích ngừa nhưng vẫn muốn có giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19.
Bản thân Abdul Rahim đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ, tức là anh ta tiêm tổng cộng 16 liều vaccine.
Nhiều người Indonesia vẫn còn tâm lý lưỡng lự và phản đối tiêm vaccine. (Ảnh: EPA)
Cảnh sát địa phương và Bộ Y tế Indonesia ngay lập tức tiến hành điều tra những tuyên bố được đưa ra trong video và đang quyết định xem có buộc tội Rahim theo Luật về bệnh truyền nhiễm của quốc gia này hay không.
Theo luật, bất kỳ ai “cản trở công tác kiểm soát đại dịch” có thể bị phạt tiền và chịu án tù lên đến một năm.
Toàn bộ những người trốn tiêm vaccine bị Rahim nêu tên trong video đều đã bị bắt và bị buộc phải tiêm phòng. Ba người trong số đó khai với cảnh sát rằng họ thuê Rahim vì sợ kim tiêm và lo lắng về tác dụng phụ của vaccine.
Video của Rahim lan truyền trên mạng xã hội Indonesia với tốc độ chóng mặt. Nhưng đáng buồn là đây không phải một sự việc đáng ngạc nhiên do nhiều người Indonesia vẫn còn tâm lý lưỡng lự và phản đối tiêm vaccine.
“Sự việc này không khiến tôi kinh ngạc vì tâm lý kháng cự vaccine vẫn tồn tại ở Indonesia. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ của chương trình tiêm phòng COVID-19 chậm lại”, nhà dịch tễ học Dicky Budiman tại đại học Griffith, Úc, cho biết.
Hiện Indonesia ghi nhận tổng cộng 4.261.879 người mắc COVID-19, trong đó có 144.063 người chết. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, quốc gia này đã áp dụng quy định bắt buộc xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19 khi đi du lịch và vào những nơi công cộng như trung tâm mua sắm, quán cà phê và nhà hàng.