Tết Nguyên đán vừa qua, vụ đào cũng vừa kết thúc, người trồng đào ở làng Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) lại tất bật quay lại vườn, chăm sóc những gốc đào cũ để kịp có sản phẩm phục vụ người dân vào mùa Tết năm sau.
Tại làng đào Nhật Tân lúc này, khung cảnh nhộn nhịp không thua kém đợt giáp Tết, tất cả các vườn đào đều tất bật với công việc làm đất và đưa đào về vườn.
Công việc chính của người dân hiện tại là thu gom những gốc đào được cho thuê vào mùa trước mang về vườn chăm sóc.
Thời điểm này, công việc chính của người dân là đi thu gom lại những gốc đào vừa được mang cho thuê vào đợt trước Tết, sau đó đưa về vườn tiếp tục chăm sóc.
Anh Hưng, một người chăm sóc đào ở Nhật Tân cho biết: “Sau Tết khoảng 10 ngày thì các nhà vườn tại đây đều phải đi thu gom những gốc đào được cho thuê để mang về vườn chăm sóc. Sau khi đào về vườn phải được cắt, tỉa và chăm sóc theo đúng quy trình ngay, nếu không cây sẽ bị chết”.
Với số lượng đào lớn, mỗi nhà vườn đều phải thuê thêm từ 3 đến 5 nhân công, để những gốc đào có khả năng sống lại, tươi mới. Sau một mùa Tết làm việc “kiệt sức”, người chăm đào lại vất vả chăm sóc, làm việc không ngừng nghỉ.
Đào được mang về trồng tại vườn, được cắt bỏ những cành cũ để cành mới phát triển, năm tới sẽ cho ra nhiều hoa.
Những năm gần đây, xu hướng thuê đào chơi Tết để tiết kiệm chi phí ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, đây lại là một rủi ro không nhỏ với người trồng. Một chủ vườn đào ở Nhật Tân cho biết: “Những gốc đào trong thời gian cho khách thuê cũng có khả năng bị chết do chúng không được chăm sóc kỹ lưỡng. Chỉ cần vài cây có tuổi đời cao bị hỏng đã là thiệt hại không hề nhỏ với nhà vườn. Cây sau khi được mang về chăm sóc đúng theo quy trình và phải đến 2,3 tuần sau mới biết được những cây nào yếu, hỏng".
Những gốc đào được tưới nước pha thuốc kích rễ để cây phát triển, sớm phát hiện được cây nào bị yếu, chết.
Theo chia sẻ của người trồng, với những gốc đào được cho thuê vào mùa trước, muốn chúng khỏe mạnh thì phải để nghỉ ít nhất một năm. Để bù vào số lượng đó, các nhà vườn mua lại những gốc đào từ vùng miền khác về chăm sóc, gối vụ.
Đào được bôi nước vôi pha thuốc để tránh côn trùng.
Mặc dù người trồng chăm sóc kỹ lưỡng nhưng thời tiết khắc nghiệt cũng sẽ làm giảm giá trị của những gốc đào. Một chủ vườn đào ở Nhật Tân cho biết: “Những năm gần đây thực sự khó khăn, những năm trước, đào trên chục năm tuổi giá rơi vào khoảng trên 10 triệu đồng, nhưng hiện giờ chỉ 6,7 triệu cũng hiếm khách đặt thuê và hỏi mua”.
Thời tiết khắc nghiệt năm vừa qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của cây khiến nhiều chủ vườn không kịp trở tay. “Như mọi năm, sau khi tuốt lá thì phải gần 2 tháng đào mới cho ra hoa, nhưng năm vừa rồi sau khi tuốt lá khoảng 1 tháng đào đã nở hoa, khiến nhiều người lúng túng chỉ còn cách cắt những cành đào mang ra bán sớm, đến Tết hoa nở không còn đều và đẹp nên rất khó khăn khi tiêu thụ.
Mặc dù tốn nhiều công sức, nhưng để thành công thì còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết.
Những gốc đào được trồng lại bắt buộc phải dùng đất mới thì cây mới sinh trưởng tốt.
Nhiều gốc đào sau khi trồng lại được cắt hết toàn bộ ngọn, chỉ để lại gốc sau đó ghép mắt và bảo quản kỹ bằng những bao xi măng tránh sương muối.
Hầu hết, các chủ vườn đều thừa nhận tuy không thua lỗ, nhưng việc trồng đào những năm gần đây không mang lại giá trị kinh tế cao như nhiều năm trước nữa.
Những gốc đào tại Nhật Tân lại bắt đầu vào vụ mùa mới, mang theo nhiều hy vọng của người dân nơi đây về một năm mưa thuận gió hòa.