Video: Nuôi ong cũng phải nộp phí
Phải đóng phí "bảo lãnh ong"?
Mùa này, dưới những cánh rừng tràm ở các xã Kỳ Trung, Kỳ Văn, Kỳ Tây... (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) xuất hiện hàng nghìn tổ ong được các chủ trang trại đưa từ miền Nam ra “đánh” mật.
Những người thuê vườn nuôi ong tại xã Kỳ Tây (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang bị xã thu thêm khoản ''lệ phí nuôi ong".
Tuy nhiên, những trại nuôi ong này bất bình vì chính quyền địa phương bắt đóng những khoản tiền “bảo lãnh ong”, hay “lệ phí nuôi ong”.
Anh Tạ Văn Hiếu (SN 1985, quê Thái Bình), chủ nhân của 500 tổ ong đang nuôi ở xã Kỳ Trung cho biết: “Tôi vừa vào đây được 1 tháng. Chính quyền xã bắt buộc phải đóng 3 triệu tiền phí. Hiện tôi chưa đóng và yêu cầu phải có hóa đơn đỏ, lý do đóng chưa rõ ràng”.
Xã Kỳ Tây cũng là một trong những xã có nhiều hộ từ xa đến nuôi ong nhất, năm nay là 156 hộ. Các hộ nuôi ong ở đây cho biết, họ đi khắp từ Bắc vào Nam nhưng chưa bao giờ phải thu phí như ở Hà Tĩnh.
Theo phản ánh của anh Trần Ngọc Châu (quê gốc ở Hà Tĩnh), anh đưa ong về đây lấy mật, đã 3 lần đóng phí.
Giấy mời người nuôi ong lên nộp "lệ phí nuôi ong".
“Muốn nuôi ong ở đây, phải trả một khoản nhỏ cho chủ vườn, một khoản cho người xin vườn (cò vườn) và còn phải trả phí cho xã", anh Châu nói.
Anh cũng cho rằng, lệ phí nuôi ong mà xã đề ra là quá vô lý. Ban đầu mỗi trại phải đóng 3 triệu nhưng trại ong xin giảm xuống còn 2 triệu vì đợt này ong đang mất mùa.
Tự nguyện đóng tiền?
Ở xã Kỳ Tây, việc thu phí diễn ra từ năm 2011 đến nay.
Ông Nguyễn Viết Kỳ, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây xác nhận có sự việc thu phí nêu trên nhưng các trang trại đóng tiền “tự nguyện”.
Năm 2017 có tới 156 hộ nuôi ong từ vùng khác đến xã Kỳ Tây quay mật
“Nhiều người nuôi ong dẫn đến tình hình an ninh phức tạp, vì thế các trại ong tự nguyện đóng mỗi trại 2 triệu đồng/mùa cho xã. Số tiền này một phần dùng để chi cho công an xã, nửa đêm có việc gì cần thì công an sẽ đến bảo vệ”, ông Kỳ lý giải.
Giải thích về giấy mời gửi các trại ong do công an xã ký và đóng dấu với nội dung “yêu cầu đến đúng thời gian quy định để làm việc, gặp trưởng công an xã để nộp lệ phí nuôi ong”, Chủ tịch xã cho hay: “Các trại ong tự nguyện đóng nộp mà trưởng công an xã phát giấy mời như vậy là sai quy trình, do công an sơ suất”.
Xã giao công an đốc thúc thu tiền
Ông Nguyễn Lương Nam, Trưởng công an xã Kỳ Tây cho biết: “Xã giao cho công an đốc thúc thu tiền, giấy mời không sai.
Người về nuôi ong nhiều dẫn đến tình hình an ninh phức tạp nên cần thu tiền bảo vệ, xe cộ chạy nhiều có thể hư hỏng đường nên thu để sau này sửa sang đường sá”.
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Bùi Quang Hoàn nhận định, đây là chuyện lạ và mới nghe. Sẽ yêu cầu các xã báo cáo việc thu tiền và hiện tượng “cò” vườn.
“Giấy mời thu lệ phí nuôi ong chưa đúng. Sau khi kiểm tra, nếu sai phạm sẽ xử lý, đình chỉ thu phí nếu việc này trái quy định”, ông Hoàn khẳng định.