Từ 23/8, việc mua hàng hoá cho người dân được thực hiện qua hình thức “đi chợ hộ”, do Tổ hậu cần địa phương, Tổ COVID-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện tại địa phương như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, MTTQ, tổ dân phố,… đảm trách.
Tại phường Tân Thuận Tây, quận 7 (TP.HCM), người dân được phát phiếu đi chợ hộ, có tên các loại thực phẩm và kèm giá cho mỗi loại.
Bà Nguyễn Thị Tuất, một người dân sinh sống tại phường cho biết, tuân thủ chính sách của thành phố nên bà đã không ra đường và đi chợ từ 23/8. Khi có hình thức “đi chợ hộ” những ngày tăng cường giãn cách, bà rất yên tâm và tin tưởng lương thực, thực phẩm hàng ngày sẽ được đảm bảo.
“Xem mức giá ở đây (trên phiếu đi chợ hộ - PV) tôi thấy cũng không chênh lệch là bao, giá cả hợp lý. Được như vậy là cảm ơn các ban ngành rất nhiều, yên tâm chung sức, chung tay để đẩy lùi dịch bệnh”, bà Tuất nói.
Bà Nguyễn Thị Tuất (phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM) nhận phiếu "đi chợ hộ".
Anh Nguyễn Xuân Thu ngụ tại phường Tân Thuận Tây (quận 7), cầm phiếu “đi chợ hộ” trên tay, nói: “Tôi thấy cũng hợp lý, tại vì mình không đi chợ được thì combo (gồm nhiều món hàng - PV) cũng đầy đủ, giá cả phù hợp như tôi đi chợ lúc trước”.
Theo bà Huỳnh Mỹ Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thuận Tây, khi đi chợ hộ, phường sẽ phát phiếu cho từng hộ dân và sau đó thu tiền cho siêu thị, cửa hàng luôn nếu người dân có nhu cầu. Hệ thống siêu thị này đã được Sở Công Thương và Phòng Kinh tế quận chọn đưa vào danh sách, phường liên hệ những điểm này để đi mua hàng cho người dân.
“Những điểm bán hàng này đã chọn từ trước chứ không phải phường tự chọn các điểm cung cấp, tức là các cửa hàng, siêu thị này là địa chỉ bán hàng bình ổn giá”, bà Phúc cho biết.
Phát phiếu "đi chợ hộ" tại phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM
Còn tại phường Tân Thuận Đông (quận 7), chị Nga, một công nhân, cho hay do đã chuẩn bị thực phẩm từ trước nên đến nay chưa nhờ đến việc “đi chợ hộ”. Tuy nhiên chị cho rằng việc này rất cần thiết khi người dân “ ai ở đâu, ở yên đó”.
“Chủ nhà trọ tổng hợp thông tin rồi phường sẽ cung cấp thực phẩm vô rất đầy đủ, giá đi chợ hộ cũng như bình thường”, chị Lan nói.
Về việc một số ngời dân phản ánh chưa được “đi chợ hộ” hoặc chưa được cung cấp lương thực, thực phẩm, ông Nguyễn Văn Khuyên, một bảo vệ tổ dân phố ở phường Tân Thuận Đông chia sẻ: “Phường đã chuẩn bị và tổ chức “đi chợ hộ” hết, an sinh đảm bảo, có chậm một chút vì nhiều việc phải lo trong chống dịch, người dân yên tâm, đã chuẩn bị hết rồi, nên hãy bình tĩnh chờ”.
Tại TP Thủ Đức, ông Phạm Văn Lành, Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Đông cho biết, việc triển khai “đi chợ hộ” đã triển khai từ hôm 23/8. Phường giao các đoàn thể, các tình nguyện viên phân công cho từng địa bàn, khu phố.
“Cụ thể, phường chuẩn bị các phiếu đặt hàng gửi cho các hộ dân trong đó có số điện thoại của người bên phường tiếp nhận, có cả zalo để người dân tiện liên hệ đặt hàng. Người dân có thể điền vào phiếu mua hàng mặt hàng nào cần mua và cũng có thể nhắn tin đến người mua hộ. Còn combo cũng triển khai đến người dân, nếu ai có nhu cầu combo thì cũng chuẩn bị cho họ”, ông Lành nói.
Một combo "đi chợ hộ" của phường Bình Trưng Tây.
Về vấn đề giá cả các mặt hàng mua hộ cho người dân, ông Lành cho biết, phường tổ chức mua tại hệ thống siêu thị. Khi bàn giao hàng hóa mua giúp người dân thì có kèm theo hóa đơn thanh toán của siêu thị. Còn combo để người dân lựa chọn cũng do hệ thống siêu thị lên đơn sẵn, kèm giá của từng loại mặt hàng và gửi thông tin đến người dân để họ lựa chọn.