Việc quy định các đoạn đường cấm đỗ là một hình thức tổ chức giao thông theo quy định tại Điều 37 Luật giao thông đường bộ.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 37, Bộ trưởng GTVT chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý.
Hình minh họa.
Theo quy định này thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quy định các đoạn đường cấm đỗ trên hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh đó. Nếu biển cấm được đặt theo đúng quy định tại Điều 37 thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nghĩa vụ tuân thủ, trường hợp vi phạm thì bị xử phạt vi phạm.
Về vấn đề xử phạt vi phạm, Nghị định 100/2019 quy định về mức xử phạt đối với ô tô và các loại xe tương tự phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng hành vi dừng xe nơi có biển "Cấm dừng xe và đỗ xe"; phạt tiền từ 800.000 đồng đến một triệu hành vi đỗ xe nơi có biển "Cấm đỗ xe" hoặc biển "Cấm dừng xe và đỗ xe".
Như vậy, không cá nhân, cơ quan, tổ chức nào được phép tự ý lập các biển báo giao thông, trong đó có các biển cấm dừng, đậu xe, chỉ có Chủ tịch UBND cấp tỉnh mới có quyền hạn làm việc này.
Những biển báo "cấm đỗ xe" do người dân tự làm, viết, vẽ lên giấy treo ở gốc cây, treo trước cửa, thậm chí sơn xuống lòng đường đều không có ý nghĩa về pháp luật.
Tuy vậy, ngõ, ngách, hẻm thường khá chật hẹp, nếu không có biển cấm, tài xế cũng nên quan sát để đỗ xe ở vị trí phù hợp, sao cho phần đường còn lại vẫn đủ cho ít nhất một ô tô lưu thông.
Với những ngõ quá nhỏ, chỉ hơn chiều rộng ô tô, không được đỗ xe vì sẽ ảnh hưởng lưu thông của người khác. Tài xế cũng cần quan sát để đảm bảo đỗ xe đúng luật như không chắn lối lên vỉa hè để ra vào của người và phương tiện, không đỗ chắn cửa cơ quan...