Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người dân, bạn bè ở làng Lại Đà nhớ thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(VTC News) -

Những người bạn, hàng xóm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở làng Lại Đà không thể quên hình ảnh ông giúp đẩy xe thồ lúa hay ngồi xe ôm đến buổi họp lớp.

Chiều muộn 19/7, khi người dân làng Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) kết thúc một ngày lao động trở về nhà thì nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Họ đau xót không muốn tin vì mới đây, ông vẫn về thăm gia đình, thắp hương tổ tiên.

“Một con người không đòi hỏi, không quan cách”

“Tôi không tin đây là sự thật, không thể tin nổi”, ông Phạm Ngọc Trinh, 82 tuổi, hàng xóm ở ngay phía sau nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhắc đi nhắc lại dù đã đọc, đã nghe tin dữ từ báo, đài. Trong những phút bàng hoàng, ông hồi tưởng rất nhiều kỷ niệm về người láng giềng vô cùng gần gũi.

“Mỗi khi có dịp về quê, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn thường giản dị sang bắt tay thăm hỏi chúng tôi, không chút nào xa cách. Tôi nhớ mãi ngày ông đón tuổi 70. Theo tục lệ làng, ai đến tuổi này sẽ phải đội khăn xếp mặc áo the để ra đình lễ thánh. Những người bảo vệ muốn ông ngồi xe hơi để di chuyển ra đình làng cách đó gần 1km, nhưng ông không đồng ý. Ông đi bộ cùng con cháu ra đình lễ thánh. Chúng tôi yêu quý ông, một con người không đòi hỏi, không quan cách, rất đơn giản”, ông Trinh nói.

Còn ông Nguyễn Bá Thi, 74 tuổi, không kìm được nước mắt khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần. Ông nghẹn ngào nói: “Từ hôm qua nghe tin trên đài về thông tin sức khỏe của Tổng Bí thư, tôi đã lo là sẽ có chuyện. Tôi rất thương ông Trọng, ông là người luôn vì nước vì dân. Tôi chẳng biết nói gì, chỉ biết rằng bản thân không thể kìm nén được cảm xúc. Chỉ mong ông vẫn khỏe mạnh để làm thêm ít năm nữa, làm tiếp những công việc dở dang của mình, vậy mà…”.

Nhớ lại những kỷ niệm không quên về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Thi kể: “Có lần, chính mắt tôi chứng kiến, một cậu trong làng đẩy xe thồ lúa vào cổng làng nhưng bị mắc không đẩy qua được. Chúng tôi chưa kịp giúp thì đúng lúc ông Trọng đi qua, ông đẩy xe mà không nề hà. Không chỉ mỗi lần đó, trong cuộc sống, ông Trọng cũng rất chu đáo với mọi người, trong làng có việc lớn hiếu hỷ, ông không về được nhưng đều gửi lời hỏi thăm hay chúc mừng”.

Ông Nguyễn Bá Thi, 74 tuổi, không kìm được nước mắt khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần.

Một thanh niên ngồi cạnh ông Thi cho biết anh là cháu họ, gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cậu. Mới chỉ 2 tuần trước, ông Trọng còn về quê thăm gia đình và thắp hương tổ tiên. Vì thế, hôm nay, nghe tin ông từ trần, trong dòng họ ai cũng bàng hoàng, chẳng thể tin nổi.

Tổng Bí thư đi "xe ôm" đến họp lớp

Chống gậy mở cửa cho chúng tôi, ông Ngô Bá Dục, bạn học thời tuổi thơ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, muốn dốc bầu tâm sự về người bạn mà mình vô cùng yêu mến, kính trọng và tự hào. Ông lão râu tóc bạc phơ kể: “Tôi hơn ông Trọng 1 tuổi, nhưng chúng tôi học cùng nhau từ cấp 1 đến hết cấp 3. Trong ấn tượng của tôi, ông Trọng là người thông minh, chăm chỉ và chịu khó tìm tòi”.

Thời họ đi học là thời rất gian nan, vất vả. Mỗi tháng, học sinh được phát 15 đấu gạo, tất cả những chi phí khác đều phải tự lo. Học sinh thường rủ nhau mỗi sáng bơi ra sông Hồng vớt củi, chiều lại vào khu công nghiệp Đức Giang để dạy bổ túc cho công nhân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó là một học sinh xuất sắc trong mắt thầy cô và bạn bè. Ông, ông Dục và một bạn học nữa luôn là 3 học sinh đứng đầu lớp.

Hai bạn học Nguyễn Phú Trọng và Ngô Bá Dục thường cùng nhau làm các số báo tường. Sau này, mỗi dịp khi họp lớp, thầy cô, bạn bè vẫn còn nhắc đến những bài báo tường đó với ấn tượng sâu sắc.

“Đến sau này khi học xong lớp 10, ông ấy đi vào học Đại học Tổng hợp, còn tôi đi học sư phạm, làm giáo viên. Thế là chúng tôi đi hai con đường riêng. Trong những lần ông Trọng trở về quê, chúng tôi vẫn gặp nhau, tình thân không chỉ ở mức những người bạn cũ”, ông Dục tâm sự và chia sẻ thêm: “Ở nhóm của tôi có một ban liên lạc, vẫn thường tổ chức họp và thăm nhau. Ông Trọng khi ấy bận nhiều nên cũng ít tham gia với chúng tôi”.

Biết bạn mình rất bận nên ông Dục cũng như các bạn học rất bất ngờ và đến giờ vẫn không thể quên hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng, khi đó đã là Tổng Bí thư, đi "xe ôm" tới buổi họp lớp.

“Buổi họp đó, chúng tôi gặp mặt để gặp cụ Lê Đức Giảng từ Quy Nhơn ra. Ông Trọng dù là lãnh đạo Đảng, nhưng do ít tuổi hơn nên vẫn được xếp ngồi ở vị trí bên dưới. Cứ dân dã vậy, không có khoảng cách. Với bạn bè, ông Trọng luôn sống rất chân thành như thế”, ông Dục nói.

Ông Ngô Bá Dục, bạn học thời tuổi thơ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nói về người bạn tuổi thơ của mình, ông Ngô Bá Dục nhấn mạnh, Tổng Bí thư không chỉ là bạn mà còn là người thân của ông. Dù công việc mỗi người khác nhau không có thời gian gặp gỡ nhiều nhưng mỗi khi gặp lại, họ lại cùng ngồi ôn rất nhiều câu chuyện cũ.

“Khi mẹ tôi mất, ông ấy bận công việc nhưng chiều tối vẫn sắp xếp về thắp hương chia buồn rồi đi luôn. Ông ấy chu đáo, và luôn chân thành với mọi người như thế”, ông Dục nhớ lại.

Trước sự thật Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần, ông Ngô Bá Dục bàng hoàng đến mức nhiều lúc thất thần, đôi tay với những vết đồi mồi liên tục nắm chặt vào nhau, trong đôi mắt già nua là những giọt lệ muốn trào ra.

“Qua truyền hình, tôi mới nghe tin ông ấy bị bệnh đang phải điều trị, tôi vẫn tin rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra. Tình cảm của chúng tôi không chỉ là bạn bè, mà còn là anh em trong gia đình”, ông Ngô Bá Dục đưa đôi bàn tay run rẩy lau nước mắt và lại tiếp tục hoài niệm về bạn:

“Ông Trọng là người đối xử thân ái, chân thành với anh em bạn bè. Nhà cửa giản đơn, mỗi khi có dịp cũng đều gần gũi hàng xóm. Rộng hơn, ông ấy đối xử với nhân dân rất là dân dã, giản dị. Chúng tôi bây giờ cũng đã ở tuổi 80 rồi, đường đi đã xa, chân cũng đã mỏi. Trong nhóm bạn 3 người của chúng tôi, một người bạn cũng đang nằm bệnh. Sinh lão bệnh tử là quy luật tất yếu, nhưng vẫn không thể không buồn, tôi rất tiếc thương ông ấy”.

Dù sức khỏe đã yếu, bình thường chẳng thể ra khỏi cổng nhà nhưng ông Dục cho biết, đợi ngày thi hài của Tổng Bí thư được đưa về quê nhà, ông và các bạn học sẽ đến tiễn đưa người bạn của mình.

Video: Người dân, bạn bè ở làng Lại Đà nhớ thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhóm PV

Tin mới