(VTC News) – Đại biểu Quốc hội băn khoăn khi nhà nước không công nhận việc chuyển đổi giới tính thì sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh rất khó giải quyết.
Chiều 25/6, Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) tỏ ra băn khoăn về quy định về chuyển đổi giới tính trong dự thảo luật.
Đây không chỉ là vấn đề nhạy cảm trong xã hội mà còn là một điều mới vì hiện nay còn thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh quan hệ của người chuyển giới.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) |
“Tôi thấy quy định trong dự thảo không thống nhất với nhau. Một mặt nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác”, đại biểu Trần Ngọc Vinh băn khoăn.
Về nguyên tắc nếu nhà nước đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì đương nhiên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không cho phép thay đổi hộ tịch, quyền nhân thân khác theo giới tính mới.
“Do đó quy định như trong dự thảo luật là thừa và không khả thi”, ông Vinh nêu quan điểm.
Vị đại biểu Quốc hội Hải Phòng cũng đề nghị ban soạn thảo làm rõ một số vấn đề còn tranh cãi hiện nay.
“Nếu không thừa nhận chuyển đổi giới tính thì chúng ta có vi phạm không? Thực tiễn xã hội hiện nay đã tồn tại người chuyển đổi giới tính. Nếu nhà nước không thừa nhận họ tức là họ phải tiếp tục sống ở ngoài vùng phủ sóng về pháp luật, họ sẽ tham gia, hoà nhập vào các hoạt động xã hội như thế nào, các chính sách về y tế, an sinh xã hội có tác động đến họ hay không?”, đại biểu Trần Ngọc Vinh đặt câu hỏi.
Vị đại biểu này cũng băn khoăn việc thực thi pháp luật về tố tụng hình sự đối với những người chuyển đổi giới tính sẽ khó giải thích như về vấn đề tạm giam tạm giữ, thi hành án phạt tù.
“Tác động đối với kinh tế xã hội, sức khoẻ, nòi giống và đạo đức truyền thống văn hoá như thế nào nếu công nhận cho phép chuyển đổi giới tính?”, ông Vinh tiếp tục đặt câu hỏi đề nghị làm rõ.
"Hot girl chuyển giới" Trâm Anh bị bắt giam vì hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” và nảy sinh ra nhiều khó khăn trong việc tạm giam, tạm giữ |
Bên cạnh đó, dự thảo Luật dân sự sửa đổi quy định tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số bằng một ký tự mà phải là chữ. Họ tên của một người không được vượt quá 25 chữ cái.
Một số ý kiến cho rằng nên bỏ quy định này nhưng đại biểu Trần Ngọc Vinh lại đề nghị giữ nguyên.
“Việc đặt tên ngoài việc bảo đảm không ảnh hưởng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng còn phải đảm bảo bản sắc văn hoá, đạo đức truyền thống của dân tộc, bảo đảm tiếp tục xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu văn hoá nhân loại”, đại biểu Trần Ngọc Vinh lý giải.
Thực tiễn xây dựng pháp luật cho thấy, tất cả các văn bản hiện nay đều thống nhất quan điểm, ngôn ngữ văn bản phải là tiếng Việt, dễ hiểu.
Ông Vinh cho rằng trên thế giới, mọi dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết riêng và họ đều ra sức bảo tồn, phát huy ngôn ngữ của mình.
“Vậy tại sao chúng ta lại tự hoà tan, lai căng, đánh mất bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc. Nếu bỏ quy định này, vô hình chung chúng ta sẽ cổ suý cho trào lưu lai căng, làm xói mòn bản sắc văn hoá dân tộc mà cha ông ta đã xây dựng”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.
Phạm Thịnh