Ông Trần Quốc Anh (Chín Anh) có khoảng thời gian 20 năm làm cận vệ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Kỷ niệm sâu sắc nhất của ông Chín cùng bác Sáu Dân (tên gọi gần gũi của Thủ tướng Võ Văn Kiệt) chính là một nhiệm vụ bác giao mà ông không thể hoàn thành. “Người ta làm thuê cực khổ lắm, phải tìm trả tiền cho người ta”, ông Chín Anh mãi nhớ câu nói toát lên cốt cách của một người lãnh đạo luôn nghĩ đến dân nghèo.
Trong căn nhà đang được sửa sang tại đường Trần Văn Bỉnh (phường 5, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), khi biết chúng tôi đến tìm hiểu viết bài về Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nét mặt ông Chín Anh lộ rõ vẻ rạng rỡ. Người cận vệ năm nay 81 tuổi, sinh ra ở miền Trung, chào chúng tôi bằng nụ cười hiền, chất giọng của ông đã rặt Nam Bộ, rất hào sảng.
Ông Chín Anh nhớ mãi những mẩu chuyện về sự bình dân, nghĩa tình của bác Sáu Dân.
Nhiệm vụ không thể hoàn thành
Ông Chín kể, sáng 30/4/1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ông Sáu Dân kêu ông và một người đồng đội vào ngay nội ô Sài Gòn vận động xe buýt ra đưa anh em đang đóng quân ngoại thành. Đến xa lộ Đại Hàn, ông gặp chiếc GMC của địch đã treo cờ của ta nhưng không có người lái. Ông hỏi người xe ôm gần đó có biết lái xe này không? Có 2 người đã đồng ý hỗ trợ người cận vệ quay lại đưa những người chiến sĩ giải phóng.
Chiều đến thì nhiệm vụ hoàn thành, 2 tài xế từ giã, ông Chín Anh cảm ơn để họ ra về. Khi nghe người cận vệ thân tín báo cáo lại, ông Sáu Dân, hỏi: "Có trả tiền cho h2 anh lái xe không?”. Ông Chín đã quên không trả.
Người lãnh đạo tỏ rõ vẻ không hài lòng: “Phải trả tiền công cho người ta mới được, tội nghiệp người ta làm thuê cực khổ lắm” và giao nhiệm vụ “phải tìm trả tiền cho người ta”.
Khi người lãnh đạo quay đi, ông Chín Anh mới ngước đôi mắt cắm gằm hối lỗi dõi theo. Bóng hình người lãnh đạo nhỏ dần nhưng người cận vệ lại thấy: “Nhân cách ấy tỏa rộng”.
Nhiệm vụ này ông Chín Anh đã không bao giờ hoàn thành được. Bởi, ông biết đi đâu giữa đất Sài Gòn rộng lớn để tìm 2 con người xa lạ. Ông Chín đến nay vẫn lấy câu chuyện này để làm bài học đối xử với người. Trong giờ phút biển trào sóng dậy, biến đổi cả vận mệnh của đất nước nhưng người lãnh đạo của ông vẫn quan tâm đến đời sống người dân, đó lại là những người lao động nghèo khó.
"Bác Sáu Dân là con người rất bình dân, rất hài hòa với mọi tầng lớp. Không có sự phân biệt, rất gần gũi, đối xử tốt với mọi người", ông Trần Quốc Anh chia sẻ.
“Nó đi kiếm cá cho mình ăn mà kỷ luật cái gì!”
Trong khoảng thời gian 1971 - 1973, ông Sáu Dân làm Bí thư Khu ủy T3 (Tây Nam Bộ) thường ở tại tỉnh Cà Mau. Ông Chín Anh trực tiếp cùng anh em lo cơm nước cho ông hàng ngày.
Khoảng năm 1973, ông Sáu Dân ở tại khu căn cứ thuộc xã Khánh Lâm (nay là xã Khánh Hòa, huyện U Minh). Ông Chín cùng một người em ra cửa biển Hương Mai kiếm cá biển về làm cơm. Chẳng may dông gió kéo đến, chiếc xuồng máy bị sóng biển đánh úp. Hai người ôm can dầu trôi giữa biển, may mắn được ngư dân địa phương cứu vớt. Xuồng thì còn nhưng cái máy - phương tiện duy nhất để đưa ông Sáu Dân đi công tác đã nằm lại biển.
Về đơn vị, cấp trên kiểm điểm và tiến hành kỷ luật 2 thuộc cấp. Chuyện đến tai, ông Sáu Dân chỉ cười khà, rồi nói: “Nó đi kiếm cá cho mình ăn mà kỷ luật cái gì?”, thế là xong.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt chụp ảnh cùng các cận vệ và người thân của họ trong một lần gặp mặt. (Chụp lại ảnh tư liệu)
Hòa bình lập lại, đến năm 1980, ông Chín Anh về tỉnh Minh Hải lập nghiệp. Năm 1983, bác Sáu Dân về công tác tại địa phương. Ông Chín Anh hay tin, đưa vợ con đến thăm. Giữa các cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy Minh Hải khi đó, Ủy viên Bộ Chính trị về chỉ đạo công tác Đại hội Đảng đã trao cho anh nhân viên làm tại Bệnh viện Bạc Liêu cái ôm nặng nghĩa tình.
Bác Sáu còn ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe, công việc, hoàn cảnh gia đình ông. Sau đó, còn lưu ý lãnh đạo Tỉnh ủy Minh Hải tạo điều kiện cho ông làm việc, phát triển.
"Bác Sáu Dân trong công việc rất quyết đoán, lệnh là phải làm và làm cho bằng được. Khi mới gặp ông lần đầu tiên, ông hỏi “có sợ chết không?”. Đi với bác là phải xông pha, sợ chết thì ở nhà chứ còn đi là phải chết sống. Bác rất quyết đoán nhưng ít khi đao to búa lớn với đồng đội", ông Chín Anh kể lại.
Những việc làm hết sức gần dân, công tâm, không có khoảng cách với thuộc cấp của bác Sáu Dân mãi in đậm trong tâm trí người cận vệ Chín Anh.
Ông luôn cảm thấy tự hào, may mắn được làm cận vệ cho người lãnh đạo đầy “chất thép” trong công việc nhưng “đậm nghĩa, thắm tình” trong cách sống.
Ông Chín Anh cho biết: “Những lời nói, việc làm tuy nhỏ nhặt của bác Sáu nhưng lại có tác động sâu sắc với tôi. Nhân cách cao đẹp của bác sẽ còn mãi và có ý nghĩa to lớn cho các thế hệ mai sau noi theo”.