Người bỏ phố, người lay lắt ở lại
Nằm kế bên xa lộ Đại Hàn thuộc khu vực quận Bình Tân, những ngày giữa tháng 8, các khu nhà trọ của công nhân Công ty PouYuen vắng vẻ, u ám.
Dịch COVID-19 tràn đến khiến hàng ngàn công nhân bị mất việc. Riêng Công ty PouYuen Việt Nam, đến tháng 6/2020 đã chấm dứt hợp đồng lao động với 2.786 công nhân và từ ngày 1/7, công ty này cho 6.000 công nhân tạm nghỉ chờ việc.
May mắn hơn, vẫn còn số ít công nhân giữ lại được việc làm nhưng thu nhập giảm sút, cuộc sống trở nên khó khăn, bất định.
Anh Phong Anh kể chuyện với phóng viên VTC News.
Khu trọ cũ kỹ của công nhân Công ty PouYuen nằm sâu trong những con hẻm, len lỏi qua các khu nhà cao tầng, mãi chúng tôi mới vào tới. Ở đây giờ đã khác, im ắng và vắng vẻ hơn trước, nhiều phòng đã cửa đóng then cài. Vài công nhân ngồi hút thuốc trước hiên nhà. Thỉnh thoảng, có tiếng khóc của trẻ con phát ra từ phòng nào đó.
Lân la mãi chúng tôi mới bắt chuyện được với người đàn ông đang cho con ăn ngay hiên căn phòng trọ bé chừng 15m2.
Dáng người vừa phải, người đàn ông 30 tuổi vừa kịp trao con cho bà ngoại bế, ngại ngùng giới thiệu tên Nguyễn Phong Anh, quê Quảng Trị.
Bằng chất giọng miền Trung đặc sệt, người đàn ông này ôm đứa con vào lòng và chậm rãi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của đời mình.
Con trai anh Nguyễn Phong Anh chơi cùng bà ngoại ở hành lang khu trọ treo đầy quần áo.
“Lưu lạc từ quê vào đây làm công nhân, mãi mới lấy được vợ. Trước 2 vợ chồng cố gắng tăng ca, làm thêm liên tục, nhưng cả tháng chỉ được khoảng 13 triệu thôi, tằn tiện lắm cũng đủ cho 3 người. Mấy tháng tới đây mới khó anh ạ!
Chẳng có việc làm, thu nhập giờ giảm hẳn nửa. Vợ chồng chúng em giờ cắt giảm chi tiêu, chẳng dám mua trái cây ăn nữa, có đồng nào giữ lại, lo cơm từng ngày thôi anh”, Phong Anh vừa nói đôi vai vừa chùng xuống.
Vợ chồng chúng em giờ cắt giảm chi tiêu, chẳng dám mua trái cây ăn nữa, có đồng nào giữ lại, lo cơm từng ngày
Anh Phong Anh
Hàng loạt câu hỏi của người đàn ông này lơ lửng trong câu chuyện với chúng tôi, rằng tuần làm tuần nghỉ thế này biết đến bao giờ? Dịch chẳng biết khi nào hết? Nếu công ty phá sản thì phải làm sao?...
Phong Anh liên tiếp hỏi cho tới khi chúng tôi ngắt lời, hỏi lại “giờ sống quay quắt thế, liệu có tính về quê”?
Phong Anh không trả lời, đôi mắt đượm buồn. Và câu chuyện về tương lai sống lay lắt nơi phố thị bị ngắt quãng bởi tiếng khóc của đứa con.
Ở kế bên, trong căn phòng cũng chỉ chừng 15m2 là nơi sinh hoạt của vợ chồng anh Nghiêm Văn Quý (Thanh Hóa) cùng 2 đứa con nhỏ.
Đưa mắt nhìn khắp phòng, chúng tôi chẳng thấy có gì giá trị. Chiếc bếp gas cũ kê góc phòng chắc cũng lâu ngày chẳng được nấu những món ngon, nằm im lìm, lạnh lẽo.
Gánh nặng mưu sinh khiến anh Quý như già trước tuổi. Chẳng ai nghĩ người đàn ông ngồi trước mặt chúng tôi mới chỉ 37 tuổi.
Chúng tôi hỏi quê, nhưng anh ngại, giọng trầm trầm nói về cuộc sống vốn bấp bênh của công nhân, nay lại vào mùa dịch bệnh.
Chiếc bếp gas đơn giản của gia đình anh Nghiêm Văn Quý.
“Từ ngày có dịch, bọn tôi khó lắm. May vẫn chưa mất việc, nhưng lương giảm chẳng còn lại bao nhiêu. Nhà 4 miệng ăn như 4 cái tàu há mồm, đâu chịu đói được ngày nào, chỉ còn cách tiết kiệm, cố gắng thôi”, anh Quý đều đều kể.
Theo người đàn ông này, dù làm công nhân thu nhập bấp bênh, 2 vợ chồng làm cả tháng chỉ hơn chục triệu, nhưng mỗi năm đều cố gắng về quê một lần.
“Năm nay tôi cũng định cuối năm về, nhưng dịch dã thế này, cũng chẳng có tiền. Thôi đành nhớ quê khan vậy”, anh Quý giọng buồn bã nói.
Nhưng anh cũng cho rằng mình còn may mắn, còn ở lại được Sài Gòn dù khó khăn.
Anh Nghiêm Văn Quý ở nhà trông con trong ngày nghỉ việc luân phiên.
“Vẫn là may hơn bao người đấy ông ạ, cả dãy trọ này bao người phải khăn gói bỏ đi rồi, chẳng đủ tiền trả tiền trọ, chẳng có tiền mà ăn. Vợ chồng tôi vẫn còn may lắm”, Quý nói và bồi thêm, tính sơ khu trọ này cũng phải hơn 200 người mất việc, trả phòng trọ mà chẳng biết họ đi đâu.
Chúng tôi liên lạc với chị T.T.Định, quê ở Tiền Giang. Chị Định vốn làm công nhân may ở Sài Gòn, nhưng đã mất việc từ tháng 2, khi dịch COVID-19 tràn vào. Giờ chị đã Định về lại miền Tây, làm đủ thứ nghề kiếm sống qua ngày.
Chị Định kể đã lên thành phố làm công nhân may cho Công ty may Hoà Bình (Quận 8, TP.HCM) được vài năm. Cuộc sống của công nhân vốn chẳng dư dả gì, mỗi tháng lương chị được khoảng 8 triệu đồng, tằn tiện, chắt chiu cuối tháng cũng bỏ ra được đôi ba triệu đồng gửi về quê nuôi con.
“Tôi đi làm công nhân dịch vụ, nên khi công ty không có đơn hàng, buộc công nhân nghỉ việc nên tôi chẳng có chế độ gì. Sau khi nghỉ, tôi vẫn muốn ở lại, vì tâm lý đã đi có ai muốn về. Tôi đi tìm việc khác, chấp nhận lương thấp nhưng mãi chẳng được, mà tiền trọ, tiền ăn vẫn vậy, thôi đành. Phải về thôi!”, chị Định nghẹn ngào.
Hành lang cũ kỹ, quây lưới B40 của dãy trọ công nhân Công ty PouYuen ở quận Bình Tân, TP.HCM.
Đã biết lúc này rất khó tìm việc ở Sài Gòn, phải về lại vùng quê nghèo ở miền Tây, người phụ nữ này quyết định dựng tạm cái chòi nhỏ, kê mấy cái bàn bán cà phê kiếm tiền nuôi 3 miệng ăn qua ngày. Nhưng mỗi ngày chỉ lời 50-60 ngàn đồng, chẳng đủ ăn, chị lại lang thang ai thuê gì làm đấy.
Kịch bản cho người lao động tiếp tục xấu đi
Liên quan tới tình trạng hàng nghìn lao động mất việc do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP.HCM (LĐTB&XH) cho biết, khảo sát của Cục Thống kê TP.HCM tại 16.300 doanh nghiệp cho thấy gần 14.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2020, TP.HCM có hơn 327.000 lao động bị mất việc và dự kiến 6 tháng cuối năm có 180.000 lao động của 5.000 doanh nghiệp bị ngừng việc.
"Đây là tình huống xấu nhất trong hai kịch bản mà Sở đưa ra tham mưu cho UBND TP phương án ngăn chặn tình trạng lao động mất việc trong 6 tháng cuối năm", ông Tấn nói.
Cũng theo ông Tấn, các doanh nghiệp dịch vụ, lưu trú, vận tải, du lịch, da giày, dệt may, sản xuất trang phục, chế biến lương thực thực phẩm, chế biến gỗ,… chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Khi nói về giải pháp, người đứng đầu ngành LĐTB&XH TP.HCM cho biết, hiện TP đang tìm mọi cách để doanh nghiệp không phá sản, ngừng hoạt động. Vì chỉ khi doanh nghiệp sống được thì người lao động mới có việc làm, mới không bị sa thải.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP.HCM. (Ảnh: Zing)
Để giải quyết tình trạng hàng nghìn lao động mất việc hàng loạt, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ LĐTB&XH có phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong gói gỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Trong đó, TP.HCM đề xuất cho những doanh nghiệp được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ không phải chứng minh tài chính mà chỉ cần báo cáo doanh thu giảm 20-30% trong quý 1 năm 2020 so với quý 4 năm 2019.
Người lao động chỉ cần đóng BHXH đến ngày 23/3 đủ điều kiện nhận hỗ trợ, không phải buộc đóng đến ngày 31/3.
Theo UBND TP.HCM, những kiến nghị trên sẽ giúp những doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn TP dễ tiếp cận hơn với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, giúp doanh nghiệp sống sót và người lao động cầm cự được qua mùa dịch bệnh.
Để giảm bớt căng thẳng, mới đây Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giao Sở KHĐT và Sở LĐTB&XH tham mưu, đề xuất gói hỗ thứ 2 cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Chính sách hỗ trợ đợt này sẽ tập trung cho các ngành nghề bị tác động nặng nề như du lịch lữ hành, nhà hàng, khách sạn, vận tải và dịch vụ liên quan du lịch...