Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, người bị viêm loét dạ dày, tá tràng hay viêm tuyến tụy không nên uống nước cam. Lý do trong nước cam chứa axit, các chất hữu cơ làm tăng axit trong dạ dày, gây chứng ợ nóng và khiến tình trạng viêm loét thêm trầm trọng.
Mỗi 100 g quả cam chứa 87,6 g nước, 104 microgram carotene - loại vitamin chống oxy hóa, 30 mg vitamin C, 93 mg kali, 26 mg canxi, 9 mg magnesium, 0,3 g chất xơ, 4,5 mg natri, 7 mg chromium, 20 mg phốt pho, 0,32 mg sắt, giá trị năng lượng là 48 kcal.
Hàm lượng vitamin C rất cao trong cam có thể hỗ trợ kích thích sản xuất các tế bào trắng. Từ đó tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp cơ thể chống lại bệnh tật, và được chứng minh là loại quả tác dụng chống viêm, chống khối u, ức chế đông máu và chống oxy hóa mạnh.
Nước cam cũng chứa lượng vitamin A, đồng, folate và thiamine (vitamin B1), các chất dinh dưỡng khác giúp các hoạt động của hệ thống miễn dịch luôn ở trạng thái tốt nhất, giúp cơ thể chống lại sự tấn công từ bên ngoài cơ thể.
Dù có nhiều dinh dưỡng nhưng nước cam không phù hợp với một số người. (Ảnh minh hoạ)
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hàm lượng vitamin C cần thiết cho mỗi người phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi.
Cụ thể:
- Đối với phụ nữ mang thai, lượng vitamin C cần thiết để cung cấp cho cơ thể là 80 mg và tăng lên 120 mg khi bước vào giai đoạn cho con bú.
- Đối với trẻ em, chỉ nên cho trẻ ăn nửa quả cam mỗi ngày, kể cả khi bé rất muốn ăn cũng không nên cho ăn nhiều vì có thể xảy ra tình trạng dị ứng cam.
- Đối với nữ giới (từ 19 tuổi trở lên) cần bổ sung 75 mg vitamin C mỗi ngày (tương đương với 1 quả cam có đường kính khoảng 4 cm).
- Nam giới (từ 19 tuổi trở lên) cần phải bổ sung 90 mg vitamin C mỗi ngày (tương đương với 1 quả cam có đường kính 5 cm).