Những chiếc xe đạp mảnh mai vốn là vật dụng di chuyển bình thường của người dân, thế nhưng trong những năm tháng chiến dịch Điện Biên Phủ nó đã trở thành xe vận tải, chở hàng ngàn tấn lương thực vào chiến trường.
Từ những năm tháng chiến dịch Điện Biên hồi đó, một khái niệm mới ra đời đó là xe đạp thồ, ghi dấu ấn lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh xuất hiện một loại phương tiện vận tải thô sơ nhưng lại có sức mạnh thần kỳ đến như vậy.
Một chiếc xe đạp vốn là vật dụng di chuyển bình thường của người dân. Thế nhưng trong những năm tháng chiến tranh, nó đã trở thành phương tiện vận tải, chở lương thực, vũ khí ra mặt trận. Một chiếc xe đạp thồ bình thường chỉ vận chuyển được 50 kg đến 100 kg lương thực. Thế nhưng cùng với lòng quyết tâm của quân và dân ta, những kỷ lục vận chuyển lương thực liên tiếp được xác lập trên từng cung đường vận tải lương thực, đạn dược ra chiến trường.
Với chiếc xe đạp thô sơ, chiến sĩ thi đua Trịnh Ngọc thuộc đoàn dân công trung tuyến Thanh Hóa lần đầu tiên xác lập kỷ lục vận chuyển 335 kg lương thực ra chiến trường.
Ông Trần Khôi, Nguyên Chính trị viên Đại đội dân công xe thồ Thanh Hóa kể lại đột xuất nhất phát động phong trào theo yêu cầu của chiến dịch là bây giờ cần phải tăng năng suất động viên anh em thì anh Trịnh Ngọc đã đưa lên mức tối đa nhất xác lập kỷ lục nhất là 335 kg và sau đó từ động lực anh Trịnh Ngọc này lên thồ được cao như vậy năng suất cao như vậy để phục vụ cho chiến dịch thì cuối cùng trong đoàn như vậy anh em đều phấn khởi và từ đó anh em đều hăng hái.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân Thanh Hóa đã vận động 11.000 xe đạp thồ, bên cạnh 250.000 dân công vận chuyển lương thực cho chiến trường Điện Biên. Với cung đường dài hằng trăm km, những chiếc xe thồ vẫn ngày đêm nối gót nhau vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực lên chiến trường.
Những khó khăn gian khổ không làm nhụt bước chân của những đoàn dân công xe thồ lúc đó mà ngược lại nó càng làm tăng thêm ý chí quyết tâm. Đã có không ít những sáng kiến cải tiến xe đạp thồ trên con đường vận tải lương thực huyền thoại đó
Câu chuyện được ông Trần Khôi tiếp tục kể: Mặc dù, ban ngày máy bay địch bắn phá như vậy, mất ăn mất ngủ thế nhưng tối mà đi như vậy đi thì đồi dốc nhưng anh em có cách đó là dựng xe, cách đóng hàng như thế nào, cách buộc hàng như thế nào. Anh em có sáng kiến tham gia ngoài cái xăm, cái lốp làm như vậy rồi anh em còn chống các que tre chặt trong rừng các thanh tre vót ra giống như chiếc đũa cả một chống từ trục xuống vành xe, chống 5 - 6 cái để chịu được cái lực để nó không bị cong vành, gãy nan hoa nữa.
Nói về lực lượng vận tải thô sơ của ta lúc bấy giờ, một ký giả người Pháp trong cuốn “Trận Điện Biên Phủ” đã viết: “Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhưng chẳng bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy… Tướng Nava bị thua chính là những chiếc xe đạp thồ với những kiện hàng từ 200 đến 320 kg, được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh nilông trải trên đất.
"Tướng Nava dự định là Việt Minh không thể nào hoạt động quân sự tức là hoạt động chiến đấu, chiến dịch trong đường bán kính không quá 100 km. Vì họ phải ăn, còn đạn thì bắn hết đạn rồi. Họ chỉ hình dung bộ đội chân đất chỉ khiêng vác. Nhưng không ngờ cái xe đạp thồ nó xuất hiện ra nó giải quyết được rất nhiều khâu, tức là nó tải được gấp 10 lần 1 người nữ dân công có thể vác trên vai mình. Chỉ huy của Pháp nói rằng phạm vi hoạt động chỉ trong vòng bán kính 100 km nhưng nó thành 500 km đấy" - Nhà Báo Phạm Phú Bằng Nguyên Phóng viên báo Quân đội Nhân dân xuất bản tại mặt trận Điện Biên nói.
Hàng nghìn chiếc xe đạp thồ, thô sơ, đã làm nên một con đường huyền thoại, con đường của ý chí sức mạnh toàn dân mà không một sức mạnh nào, vũ khí tối tân nào có thể chia cắt được. Những chiếc xe đạp thồ đó đã trở thành một điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới. Đây là minh chứng sinh động cho tinh thần và ý chí quyết tâm không có gì lay chuyển được của một dân tộc trên con đường tìm lại độc lập tự do.