Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ngôi làng ‘zombie’ nơi xác chết ‘biết đi’ và chung sống như người trong gia đình

Trong khi với nhiều người đây là tập tục rùng rợn, nhưng người dân nơi đây xem nó như một cách bày tỏ lòng thành kính với cái chết.

Đối với cư dân của Tana Toraja, người chết biết đi không chỉ là một hiện tượng ma thuật — đó là một thực tế! Tuy nhiên, không giống như zombie trong phim ảnh, những “xác sống” này đã hoàn toàn chết hẳn.

Bộ lạc Toraja - sinh sống trong một thung lũng đẹp như tranh vẽ Londa, nằm cách trung tâm tỉnh Sulawesi, Indonesia 300km về phía nam đảo Sulawesi. Tại đây, người dân có truyền thống ướp xác người đã khuất và sống cùng xác ướp trong thời gian dài.

(Ảnh: The Guardian)

Đối với người Toraja, sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời không phải khi chào đời, ngày sinh nhật hay lễ thành hôn, mà đó chính là cái chết. Người Toraja coi cái chết như là cách để bước vào thiên đường, tìm một thế giới mới giàu có hơn và tốt hơn thế giới hiện tại, vì thế họ rất coi trọng các nghi thức tang lễ.

(Ảnh: New Straits Times)

Với người Toraja, bảo quản thi hài càng lâu thì chi phí làm tang lễ càng rẻ. Theo truyền thống, lễ tang của người Toraja kéo dài 12 ngày, yêu cầu gia đình hiến tế hàng chục con trâu và hàng trăm con lợn. Những buổi lễ như vậy có chi phí lên đến hàng trăm nghìn USD.

Thông thường, người Toraja sẽ tự bảo quản thi hài người mới qua đời. Bộ thi hài có thể được xếp ngay ngắn trong nhà suốt nhiều tháng, cho đến khi gia đình đó đủ tiền để tổ chức tang lễ chính thức. Trong thời gian này, người quá cố được coi là đang ốm hoặc đang ngủ. Ở đó, gia đình tiếp tục nói chuyện và tiếp xúc với thi thể đang phân hủy như thời họ còn sống, bao gồm cả việc cho ăn và chăm sóc người đó.

(Ảnh: Escape)

Chỉ vài ngày sau khi chết, da và thịt của thi thể được bảo quản để tránh mục nát và thối rữa bằng cách phủ lên thi thể một lớp dung dịch hóa học có tên là formalin - hỗn hợp của formaldehyde và nước. Mùi hôi thối từ cơ thể những người đã chết bốc lên rất nồng nặc, vì vậy các gia đình sẽ phải lưu trữ một số lượng lớn các loài cây khô bên cạnh thi thể để làm át đi mùi hôi đó.

(Ảnh: indonesiaexpat)

Đối với cả bộ tộc, một thi thể được bảo quản và chăm sóc tốt sẽ mang lại nhiều may mắn và hạnh phúc, bởi vậy các gia đình luôn cố gắng hết sức để đảm bảo rằng cơ thể những người đã chết vẫn tồn tại dưới hình dạng đẹp nhất có thể.

Sau đó, những thi thể này được bọc trong chăn và cất giữ trên giường đặt trong nhà; hoặc đối với những gia đình giàu có hơn, những thi thể sẽ được “nghỉ ngơi” trong một tongkonan - một ngôi nhà “tổ tiên” truyền thống của tộc người Toraja với mái nhà cong vút hình chiếc thuyền rất đặc biệt.

Chưa hết, ngay cả khi người chết đã được chôn cất, đó cũng không phải là lần cuối mà gia đình được gặp họ.

 

Trong một nghi lễ được gọi là Ma'nene - có nghĩa là "chăm sóc tổ tiên" diễn ra vào tháng 8, người chết sẽ được đưa ra khỏi mộ để vệ sinh sạch sẽ. Họ còn được mặc quần áo mới và đưa xuống làng để hút điếu thuốc ở nơi họ yêu thích hoặc về thăm nhà cũ.

(Ảnh: pacébo tours)

Tất cả bạn bè và gia đình của người đã chết sẽ vượt hàng dặm đường để đến đoàn tụ với người thân đã mất của họ, đồng thời tận hưởng một bữa tiệc thịnh soạn để đánh dấu sự kiện quan trọng này. Đây cũng có thể là lần đầu những lớp trẻ được gặp chính tổ tiên của họ - những người đã mất trước khi họ ra đời.

(Ảnh: The Irish Sun)

(Ảnh: The Irish Sun)

Không chỉ dừng lại ở đó, họ thậm chí còn thường xuyên chụp ảnh với các thi thể, thậm chí là chụp ảnh tự sướng. Cuối cùng, người chết sẽ được trở lại quan tài, sau đó người thân của họ sẽ tặng cho họ những món quà mới như đồng hồ, kính hoặc trang sức.

Cersei (Tổng hợp)

Tin mới