Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ngôi làng cổ Trinh Tiết ở ngoại thành Hà Nội có gì đặc biệt?

Làng Trinh Tiết (Mỹ Đức, Hà Nội) nằm yên bình bên dòng sông Đáy không chỉ là một địa danh hữu tình mà còn là biểu tượng của sự son sắt và thủy chung.

Làng Trinh Tiết thuộc xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là ngôi làng cổ nằm bên con sông Đáy nổi tiếng với phiên chợ Sêu sầm uất. Yên bình và mộc mạc như bao làng quê Bắc Bộ khác nhưng ngôi làng này khiến không ít người ấn tượng ngay từ lần đầu tiên nghe tới.

Câu chuyện về ngôi làng cổ này gắn liền với hình ảnh người phụ nữ thủ tiết nuôi dạy con thành tài, đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều thế hệ. 

Theo người dân làng Trinh Tiết, trước đây, làng có tên là Bối Lang nhưng sau đổi thành làng Sêu (thuộc tỉnh Hà Tây). Sau đó, làng Sêu được đổi thành làng Trinh Tiết.

Đến làng Trinh Tiết, ngay từ đầu làng, hỏi bất kỳ người dân nào, từ người già đến người trẻ, ai cũng có thể kể vanh vách về lịch sử, về nguồn gốc và những câu chuyện lưu truyền từ đời xưa của làng Trinh Tiết.

Cổng làng Trinh Tiết.

Bà Nguyễn Thị Hoa, người sinh sống 62 năm tại làng cho biết, gắn bó hơn nửa đời người với ngôi làng cổ Trinh Tiết, bà có rất nhiều kỷ niệm với mảnh đất lịch sử này. Nét văn hóa độc đáo, nét đẹp cổ kính của ngôi làng là niềm tự hào của bà và nhiều người dân nơi đây. Là người con, người phụ nữ của làng Trinh Tiết, bà nhận thấy mình cần có trách nhiệm trong việc gìn giữ và bảo vệ nét văn hóa quý giá ấy của làng.

“Tôi rất vui và tự hào khi được sinh ra và lớn lên tại làng Trinh Tiết. Ngôi làng có nhiều nét văn hóa cổ kính mà độc đáo. Những giá trị quý giá của làng chúng tôi sẽ gìn giữ và lưu truyền lại cho thế sau”, bà Hoa nói.

Bà Nguyễn Thị Hoa, người dân làng Trinh Tiết, xã Đại Hưng.

Vì sao làng có tên "Trinh Tiết"? Tương truyền rằng, ngày xửa ngày xưa, có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết. Chàng là một thanh niên "xứ trong” sánh duyên cùng cô thôn nữ nết na, xinh đẹp ở một làng quê thanh bình bên bờ sông Đáy trong xanh. Hạnh phúc của đôi uyên ương được nhân lên gấp bội khi một thiên thần bé nhỏ chào đời từ tình yêu thuần khiết ấy. Nhưng thật không may, người chồng qua đời sớm để hai mẹ con lâm vào cảnh vợ góa, con côi.

Những năm tháng tiếp theo, người góa phụ trẻ ấy có rất nhiều chàng trai giàu có đến ngỏ lời cầu hôn, song nàng đã cương quyết cự tuyệt và một lòng thủ tiết “thờ chồng, nuôi con”. Lớn lên trong tình thương yêu bao la của mẹ và sự đùm bọc chia sẻ của bà con lối xóm, vượt lên nghịch cảnh của một đứa trẻ mất cha từ nhỏ, cậu bé ấy ngày càng khôn lớn trở thành chàng thanh niên khỏe mạnh, thông minh và là chỗ dựa cho cả làng.

Khi Tổ quốc lâm nguy, ông đã được đích thân nhà vua phong làm Đốc lĩnh binh nội vệ ra mặt trận quét sạch quân thù. Để ghi nhớ công đức to lớn đó, ngay sau khi ông mất, dân làng đã lập đền thờ và suy tôn ông là Thành hoàng. Gần 500 năm sau, một lần đi kinh lý qua, nhà vua đã cảm động trước tấm lòng son sắt, thủy chung của người phụ nữ nơi đây, quyết định đổi tên làng thành làng “Trinh Tiết”.

14 thế kỷ làng có Thành hoàng, trên 900 năm mang tên Trinh Tiết vua ban, mảnh đất và con người nơi đây luôn đồng hành cùng sự thăng trầm của đất nước. Các thế hệ con dân Trinh Tiết luôn khắc ghi nguồn cội và giữ gìn cốt cách từ ngàn xưa.  

Con đường dẫn vào làng Trinh Tiết đã được bê tông hóa, xanh, sạch, đẹp.

Tục không tái giá khi vợ - chồng chẳng may qua đời ở làng Trinh Tiết được bắt nguồn từ truyền thuyết gắn liền với tên gọi của ngôi làng này. Tục không tái giá đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân làng Trinh Tiết khiến nhiều phụ nữ thời xưa lựa chọn cuộc sống đơn thân sau khi chồng mất. 

Qua mỗi thời, tục này lại có sự thay đổi khác nhau. Có thể kể tên những phụ nữ thủ tiết thờ chồng ở làng Trinh Tiết như bà Huyến, bà Tít, bà Vấn… Mặc dù làng không có quy ước bắt buộc đàn ông hay phụ nữ của làng không được tái giá, song cứ người sau theo gương người trước và họ nguyện sống như vậy suốt đời, tần tảo nuôi con một mình.

Theo thời gian và cùng với sự phát triển của xã hội, ngày nay, tập tục này đã dần mai một. Người phụ nữ ở làng Trinh Tiết đã có quan niệm cởi mở hơn, nếu không may người bạn đời mất sớm thì họ vẫn mạnh dạn đi bước nữa để có người cùng gánh vác việc gia đình và cùng chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống.

Tuy vậy, câu chuyện về những người phụ nữ thủy chung, son sắt của làng vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác và từ đó đến nay, người dân nơi đây vẫn luôn tự hào gìn giữ cái tên “Trinh Tiết”.

Qua nhiều thế hệ, người dân làng Trinh Tiết vẫn không quên kể lại cho nhau nghe những câu chuyện liên quan đến tục không tái giá để giáo dục lớp trẻ trong việc giữ gìn hạnh phúc, đề cao sự son sắt, thủy chung của phụ nữ trong làng. Nhắc đến phụ nữ làng Trinh Tiết, người ta sẽ nhớ ngay đến những con người đức hạnh, đảm đang, khéo léo, những câu chuyện về tình nghĩa vợ chồng son sắt bền lâu.

Sắc thái mới ở làng Trinh Tiết

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km, trên đường đi chùa Hương, du khách sẽ băng ngang một thôn làng có cổng tam quan bề thế nằm trên xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức. Tên được ghi phía trên cổng tam quan là làng Trinh Tiết, mặt trong ghi là làng Sêu.

Tên làng Sêu được đặt cho dân làng nhìn thấy mỗi khi ra khỏi làng, điều này thể hiện sự mong muốn gìn giữ nét văn hóa của làng cũ. Làng Sêu nổi tiếng về những người con gái hiền dịu, nết na, xinh đẹp, đảm đang, rất giỏi việc trồng dâu nuôi tằm, nổi tiếng về đức tính thờ chồng, nuôi con.

Theo thời gian, hiện nay, làng Trinh Tiết đã đổi thay rất nhiều. Bước vào làng, con đường từ đầu làng đến cuối làng đã được bê tông hóa, sạch, đẹp, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, khang trang. Những con đường bê tông, đường nhựa liên thôn, liên xã được nâng cấp; khu vui chơi và trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được xây dựng đẹp và bề thế.

Các di tích đình, đền, chùa trong làng được duy tu, bảo tồn. Làng Trinh Tiết nhiều năm liền được công nhận là làng văn hóa. Đi vào trong làng, hàng trăm ngõ ngách lát gạch đều đặn, thẳng tắp.

Làng Trinh Tiết đã đổi thay nhiều, khang trang hơn, bề thế hơn với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát.

Người dân nơi đây mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau. Các bà, các cô có tuổi thì buôn bán, kinh doanh ở chợ, trồng lúa, cấy cày, người trẻ thì tìm việc ở thành phố hoặc đi làm công nhân ở các vùng lân cận. Nhiều gia đình có con cái học hành thành tài, có việc làm ổn định, kinh tế phát triển.

Ở giữa làng Trinh Tiết, có chợ Sêu nổi tiếng. Chợ Sêu là chợ to nhất nhì huyện Mỹ Đức, chợ họp vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21 và 26 âm lịch hàng tháng và chỉ họp từ sáng đến trưa, riêng ngày 26 tháng Chạp (26 Tết) thì họp cả ngày. Từ nhiều năm nay, đây là chợ đầu mối thông thương cho nhiều chợ khác quanh vùng. Ít có chợ nào trong vùng có nhiều sản vật và phong phú như chợ Sêu. Nhờ có chợ Sêu mà vùng đất Đại Hưng rất trù phú, sầm uất. 

Chợ Sêu họp vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21 và 26 âm lịch hàng tháng.

Ông Nguyễn Văn Định, người sống tại làng Trinh Tiết 51 năm nay cho hay, tròn một nửa thế kỷ gắn bó với ngôi làng cổ này, từ bé ông đã biết nhiều về lịch sử, truyền thống cũng như những tập tục xưa của làng. Ông rất tự hào về nét đẹp văn hóa của quê hương mình và luôn nỗ lực cố gắng để góp phần xây dựng quê hương.

Mới đây, người dân làng Trinh Tiết đón nhận một tin vui. Theo Nghị quyết đặt tên và điều chỉnh độ dài phố phường, 22 tuyến đường, phố tại Hà Nội sẽ có những cái tên hoàn toàn mới.

Ông Nguyễn Văn Định, người dân sống tại làng Trinh Tiết.

Trong đó, tại huyện Mỹ Đức, thành phố dự định lấy tên Trinh Tiết đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường 419 tại Km63+700 tại cổng làng Trinh Tiết, thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng đến ngã ba giao cắt đường tiếp nối phố Thọ Sơn tại ngã ba chợ Sêu.

Đường này dài 540m, rộng 7,5-8m (lòng đường 7m, vỉa hè mỗi bên 0,5-1m). Đường trải nhựa át phan, có vỉa hè, cây xanh không đồng nhất, có điện chiếu sáng đô thị.

Người dân nơi đây ai cũng mong làng Sêu (hay còn gọi làng Trinh Tiết) sớm có 1 con đường được đặt tên Trinh Tiết.

Khi biết thông tin này, nhiều người dân ở làng Trinh Tiết rất vui mừng, vì đặt tên tuyến đường trục chính của làng mang tên Trinh Tiết cũng là để tiếp tục gìn giữ truyền thống tốt đẹp, giáo dục cho các thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Văn Định bày tỏ: “Nếu có một con đường mới như vậy thì tôi thấy rất tuyệt vời. Lấy tên làng đặt cho một tên đường thì cũng không có gì đặc biệt lắm nhưng đây là lấy tên đường theo tên làng, một cái tên rất đặc biệt và có truyền thống lâu đời. Tôi cảm thấy rất tự hào và mong muốn con đường đó sớm được đặt tên và xuất hiện trên biển báo giao thông. Có một con đường mới là niềm tự hào của nhiều người dân trong làng và mong rằng trong tương lai sẽ có nhiều khách thập phương biết đến làng Trinh Tiết”.

Có cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hoa cho hay: “Tôi rất tự hào về truyền thống của quê hương. Tôi cũng mong có đường Trinh Tiết để có thêm nhiều người biết đến quê hương tôi”.

Chung Thủy - Vũ Oanh (VOV.VN)

Tin mới