Quần thể chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam) có diện tích gần 5.100 ha, trong đó có gần 1.000 ha hồ nước, 3.000 ha núi đá, rừng tự nhiên…, cùng nhiều thung lũng, 3 mặt bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hình tay ngai, trước là hồ Tam Chúc với 6 quả núi.
Mặt bằng chùa Tam Chúc rộng tới 144 ha, với nhiều công trình như chùa Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan, Trung tâm Hội nghị quốc tế… Không chỉ có diện tích rộng lớn mà còn có các công trình được xây dựng ở đây đều dự báo sẽ đạt những kỷ lục Guinness mới.
Đầu tiên là chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh cao 468 m, với 299 bậc lên, được xây dựng hoàn toàn bằng đá khối xếp liền nhau thành một khối nặng 2.000 tấn do các nghệ nhân Ấn Độ chế tác. Ngôi chùa này được xem là một kiệt tác về kiến trúc đá.
Nằm trong quần thể chùa Tam Chúc, chùa Ngọc nằm ở vị trí cao nhất tính đến nay. (Ảnh: Zing)
Điện Tam Thế được xây dựng ở độ cao 45 m trên trục thần đạo, 3 tầng mái cong mang kiến trúc đình chùa Việt, cao tới 39 m, mặt sàn 5.400 m2, đủ đón 5.000 phật tử cùng hành lễ. Điện Pháp Chủ 2 tầng mái cong, cao 31 m, mặt sàn 3.000 m2. Điện Quan Âm cao 30,5 m, mặt sàn rộng 3.000 m2. Cổng Tam Quan 3 tầng mái cong, cao 28,8 m, ba mặt sàn rộng 3.558 m2.
Ngoài ra còn có Nhà thờ Tổ 2 tầng tháp mái cong với chiều cao 25 m, mặt sàn 1.050 m2; nhà Tăng Ni 5 tầng cao 30,8 m, với mặt bằng 3.600 m2; đền Thánh Cao Sơn được tọa lạc trên diện tích 1,75 ha phía hồ Tay Ngai, với Thủy Đình 3 tầng mái, Nhà Tả Hữu Vu, Đền Chính...; đền Mẫu với chất liệu gỗ theo phong cách truyền thống Thủy Đình 2 tầng mái, Nhà Tả Hữu Vu, Đền Chính, Nghi Môn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Hội nghị quốc tế được xây dựng nổi trên mặt hồ cao 31 m, đủ sức phục vụ gần 3.500 khách. Trong tương lai, Tam Chúc sẽ có Khu trung tâm đón tiếp nghỉ dưỡng, Khu bảo tồn di tích và cảnh quan thiên nhiên... cùng nhiều công trình khác.
Không chỉ những công trình được xây dựng mới, Tam Chúc còn phục dựng những công trình cổ có niên đại lên đến hơn 1.000 năm.
Trong chùa Tam Chúc có 12.000 bức tranh về các sự tích của Đức Phật được tạc từ đá núi lửa. (Ảnh: Báo Văn hóa)
Tiêu biểu đình Tam Chúc hiện nay là một công trình kiến trúc được phục dựng giữa lòng hồ Tam Chúc. Đình làng Tam Chúc khá nhỏ, mang kiến trúc đặc trưng của đình đền Bắc Bộ và tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ với một lối đi vào bằng đường bộ.
Theo sự tích được lưu truyền tại nơi đây, trong thời gian dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã đến vùng Kim Bảng ngày nay chiêu mộ binh mã, tích trữ lương thảo và đến đền thần Linh Lang Bạch Mã cầu chiến thắng.
Cũng thời gian này, ông đã được vợ chồng vị hào trưởng Dương Đỉnh gả con gái tên là Dương Thị Nguyệt về làm vợ và sinh ra con gái Đinh Thị Ngọc.
Khi lên ngôi Hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng đã đón Dương Nguyệt Nương về kinh đô Hoa Lư lập làm Hoàng hậu, đồng thời lệnh cho dân Kim Bảng lập đền thờ Thần Linh Lang Bạch Mã. Hoàng hậu Nguyệt Nương cũng chính là người đã truyền dạy trò Xuân Phả hiện còn lưu giữ đến ngày nay ở Thanh Hóa.
Đình Tam Chúc, nơi thờ Đinh Tiên Hoàng Đế, Hoàng hậu nhà Đinh Dương Thị Nguyệt và thần Bạch Mã. (Ảnh: Doanhnhanplus)
Khi Đinh Tiên Hoàng mất, Hoàng hậu Nguyệt Nương cùng công chúa Ngọc Nương đã trở về quê hương Kim Bảng sinh sống đến cuối đời. Sau này khi Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đã truyền chỉ cho thiên hạ cứ nơi nào vua Đinh Tiên Hoàng đã lập đồn trại thì đều được rước sắc về lập đền thờ cúng.
Từ đó, đình làng Tam Chúc thờ Đinh Tiên Hoàng Đế, Hoàng hậu nhà Đinh Dương Thị Nguyệt và thần Bạch Mã.
Các công trình của chùa Tam Chúc là sự kết hợp hài hòa, linh diệu, đồng điệu giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ nhân Việt Nam và nghệ nhân nước ngoài, giữa thợ thủ công lành nghề của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo.
Hiện Thủ tướng chính phủ đã đồng ý để Hà Nam phối hợp với các địa phương liên quan lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể Tam Chúc (Hà Nam) - Chùa Hương (Hà Nội) - Vân Long (Ninh Bình) - Đồng Tâm (Hòa Bình) trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất, báo cáo Thủ tướng theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.