Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao cho hay, ông Blinken sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Geneva vào hôm 21/1 để tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho mối quan hệ ngày càng leo thang căng thẳng giữa Washington và Moskva.
Hôm 18/1, ông Blinken có cuộc điện đàm với ông Lavrov. Ngoại trưởng Mỹ và Nga cho rằng, rằng việc gặp trực tiếp sẽ rất hữu ích.
Ngoại trưởng Antony Blinken và Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ gặp mặt tại Geneva vào hôm 21/1. (Ảnh: CNN)
Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Lavrov hoan nghênh các nỗ lực ngoại giao của Mỹ, đồng thời tiếp tục cáo buộc Ukraine đang "phá hoại" các thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine.
Theo nguồn tin từ Mỹ, dù có những nỗ lực ngoại giao trong tháng này song Washington vẫn chưa thấy Nga giảm căng thẳng và Moskva có thể tiến hành tấn công vào Ukraine bất kỳ lúc nào trong tháng 1 hoặc tháng 2.
"Chúng ta hiện đang ở giai đoạn mà Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine tại bất kỳ thời điểm nào", Reuters dẫn lời quan chức Mỹ cho hay.
Trước cuộc gặp trực tiếp với Ngoại trưởng Nga, ông Blinken sẽ gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba hôm 19/1.
Trong lịch trình tại châu Âu, Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp người đồng cấp Đức Annalena Baerbock và sau đó dự họp Bộ tứ xuyên Đại Tây Dương - định dạng gồm Mỹ, Anh, Pháp và Đức.
Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, các cuộc thảo luận của ông Bilnken tại châu Âu sẽ tập trung vào việc các đồng minh sẵn sàng áp đặt "những hậu quả lớn và tổn thất kinh tế nghiêm trọng đối với Nga".
Mỹ và Ukraine cáo buộc Nga đang tập trung quân lính gần biên giới Ukraine, đồng thời tuyên bố rằng đây là bằng chứng cho thấy Moskva đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào Kiev. Tuy nhiên, Moskva nhiều lần bác các gia thuyết này.
Hội đàm giữa Nga với NATO, Mỹ về những đề xuất đảm bảo an ninh của Moskva kết thúc chóng vánh, không có kết quả thực chất. Nga đưa ra một loạt yêu cầu, trong đó NATO đảm bảo không mở rộng thêm về phía đông và không kết nạp thêm quốc gia hậu Xô Viết, trong đó có Ukraine, vào liên minh quân sự này.