Ba cháu bé trong một gia đình (quê ở Nam Định), cháu 4 tuổi nhỏ nhất đã tử vong, còn 2 cháu khác đang được cấp cứu vì ngộ độc chì tại khoa Nhi, BV Bạch Mai. Đây không phải là những ca bệnh hiếm gặp thời gian gần đây tại các BV.
Những viên thuốc nam không rõ nguồn gốc, được “độn” kim loại nặng đã khiến nhiều cháu nhỏ phải mang di chứng suốt đời. Các bác sĩ cũng lo ngại là trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng mà cha mẹ không biết bôi vào những nốt đỏ trong miệng sẽ vô cùng nguy hiểm.
Bố mẹ cháu Phan Văn Tùng (ở Ba Vì, Hà Nội) đưa con đến BV Nhi T.Ư cấp cứu, mang theo gói thuốc bột gia truyền màu ghi có chứa chì. Ảnh: Q.D |
Sính thuốc không rõ nguồn gốc
Ngày 21.11, PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: Trước đó, thấy con biếng ăn, xanh xao, mệt mỏi, chị Nguyễn T.T (ở huyện Hải Hậu, Nam Định) đã mua thuốc bổ loại viên hình tròn, màu cam của một người ở chợ gần nhà cho con uống. Sau một thời gian, hai cháu có biểu hiện ăn nhiều hơn nên chị chắc mẩm là thuốc tốt. Chị tiếp tục mua về cho con dùng. Một tuần sau đó, cả 3 cháu bắt đầu đau bụng.
Gia đình đưa cả 3 cháu đi khám, được các bác sĩ chuyển lên BV Nhi T.Ư. Do ngộ độc quá nặng nên cháu nhỏ tuổi nhất đã tử vong đêm 19.11. Hai cháu còn lại được chuyển sang Trung tâm Chống độc Bạch Mai, rồi sang khoa Nhi đêm 20.11. Khi nhập viện, cả 2 cháu bé đã có biểu hiện bị ngộ độc rất nặng. Các xét nghiệm cho thấy nồng độ chì trong máu rất cao. Hai bé đều bị tổn thương ở các bộ phận não, thận. Lúc tỉnh táo, cháu lớn la hét liên tục, kích thích vật vã, đau bụng, tiểu tiện ra máu...
Trẻ nhỏ bị ngộ độc chì này không phải là hiếm gặp. Ngày 22.11, tại khoa Thần kinh, BV Nhi T.Ư vẫn còn 3 cháu bé dưới 1 tuổi đang phải điều trị dài ngày vì nhiễm độc chì do bôi thuốc cam. Cháu Phạm Anh Minh (Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng nôn, tiêu chảy, co giật, thiếu máu, ho ra dịch vàng 4-5 lần/ngày. Mẹ cháu Minh cho biết: Khi 10 ngày tuổi, cháu đã bị tưa lưỡi nên chị mua thuốc cam của ông lang tên là Hiếu gần nhà bôi miệng cho con. Đến gần đây, cháu bắt đầu có biểu hiện bất thường.
Một ngày trước khi nhập viện, cháu bắt đầu có những cơn co giật toàn thân nên đã được bố mẹ cho đi viện. Theo BS Nguyễn Thị Thanh Xuân, người trực tiếp điều trị cho bé Minh, cháu bé có biểu hiện men gan cao, tăng amoniac, dãn não thất, teo não, vôi hóa nhân bèo..., đây có thể là hậu quả của ngộ độc chì kéo dài. Gia đình cháu mang theo gói thuốc cam đã dùng bôi, Viện Hóa học (Viện Khoa học & Công nghệ VN) phân tích thì thấy hàm lượng chì trong gói thuốc là 23%. Định lượng chì trong máu bé Minh cũng lên tới 251microgam/100ml, gấp hơn 12 lần người bình thường.
Thuốc gia truyền, truyền cả độc
Cũng theo BS Phạm Thị Vân Anh, từ 2 - 3 năm nay, mỗi năm khoa tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân có những biểu hiện thiếu máu của ngộ độc chì như thế. Trước đây, khi chưa xác định được nguyên nhân, BV tập trung cứu chữa bằng truyền máu định kỳ. Có 1-2 cháu đã không qua được và tử vong. Nhưng gần đây, trước hàng loạt ca bệnh mà trước đó đều bôi thuốc cam, tham khảo ý kiến chuyên gia, tài liệu, khoa đã điều trị theo hướng giải ngộ độc và nhiều ca đã thành công. Tuy nhiên, các cháu đều phải điều trị dài ngày, kéo dài vài tháng. Đặc biệt là những cháu đã bị ngộ độc chì ảnh hưởng tới não thì cần theo dõi lâu dài.
Điều cần cảnh báo là đối với các mẫu thuốc cam mà gia đình các cháu đã mua và dùng, được mang đi xét nghiệm đều có hàm lượng chì rất cao. Phòng Hóa phân tích, Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chỉ trong 1 tháng qua cũng đã tiếp nhận tới 15 mẫu thuốc cam được các BV đưa tới định lượng kim loại. 14/15 mẫu có chứa hàm lượng chì từ 12,5-22%. Các loại thuốc này được mua ở chợ quê, người nọ mách người kia, thuốc gia truyền nhưng đặc điểm chung là không có nhãn mác.
Theo Lao động