Sức khỏe của bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng tiếp tục bị ảnh hưởng đến một năm sau khi mắc bệnh, khiến nhu cầu phát triển các phương pháp điều trị trở nên khẩn cấp.
Tác giả nghiên cứu Christopher Brightling từ Đại học Leicester (Anh), cho biết: “Nếu không có phương pháp điều trị hiệu quả, “COVID kéo dài” có thể trở thành một tình trạng mới phổ biến trong thời gian dài”.
Nghiên cứu với sự tham gia của hơn 2.300 người này cũng cho thấy phụ nữ có khả năng hồi phục hoàn toàn thấp hơn 33% so với nam giới.
Ngoài ra, những người bị bệnh béo phì và những người từng phải thở máy thậm chí còn có khả năng phục hồi hoàn toàn thấp hơn, với tỷ lệ tương ứng là 50% và dưới 58%.
Được biết, các nhà khoa học đã xem xét tình trạng sức khỏe của những bệnh nhân COVID-19 xuất viện tại 39 bệnh viện ở Anh trong giai đoạn từ tháng 3/2020 đến tháng 4/2021. Sau đó, họ đánh giá kết quả hồi phục của 807 người trong 5 tháng và 1 năm sau khi mắc bệnh.
Kết quả cho thấy chỉ 26% bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau 5 tháng và con số đó chỉ tăng nhẹ lên 28,9% sau 1 năm.
Các di chứng hậu COVID-19 phổ biến nhất là mệt mỏi, đau cơ, ngủ kém, chậm chạp về thể chất và khó thở.
Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh: “Ngay cả 1 năm sau khi xuất viện, nhiều người bị COVID kéo dài gặp các triệu chứng nghiêm trọng, bao gồm giảm khả năng vận động và chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe”.
Nghiên cứu này sẽ được trình bày tại hội nghị của Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm Châu Âu. Các nhà khoa học hiện vẫn đang tiến hành và sẽ tiếp tục theo dõi sức khỏe của những bệnh nhân trong nghiên cứu.