Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nghịch lý đốt rác tạo năng lượng nhưng quá trình đốt tốn nhiều năng lượng hơn

(VTC News) -

Theo chuyên gia, cái khó khi xử lý rác thải sinh hoạt là nghịch lý muốn đốt rác tạo năng lượng nhưng quá trình đốt tốn năng lượng hơn.

Hiện nay, công tác thu gom, phân loại rác tại nguồn được nhiều địa phương trên cả nước đẩy mạnh thực hiện, nhưng vẫn chưa tạo được hiệu quả tốt trong quản lý rác thải tại Việt Nam.

Nghịch lý đốt rác

Nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM,... vẫn đang “loay hoay” giữa các hình thức: chôn lấp, làm phân composite, đốt phát điện và tái chế rác thải sinh hoạt.

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) cho biết, TP.HCM cùng nhiều tỉnh phía Nam đang tập trung vào công nghệ tái chế và công nghệ đốt. 

Người dân chỉ cần phân loại rác thải sinh hoạt thành hai nhóm: rác tái chế và không tái chế. Rác tái chế như: nilon, lon, chai, lọ nhựa, thủy tinh,… giữ lại để các đơn vị thu mua. Các loại rác không tái chế đem đốt.

Tuy nhiên, thực tế việc phân loại và thu gom rác vẫn chưa hiệu quả do chi phí xử lý rác (chi phí về nhân công, vận chuyển, xử lý, đất bãi và quản lý) quá cao.

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR). 

Theo CECR, bình quân 1 tấn rác thải tại Việt Nam tốn khoảng 270-300.000 đồng để xử lý, trong khi lượng rác sinh hoạt thải ra mỗi ngày trên cả nước trên 120.000 tấn. Con số này là một bài toán khó với các nhà quản lý.

“Trở ngại lớn đến từ ý thức của chính mỗi người dân, có quá ít hộ tự giác phân loại rác tại nhà. Thời gian xử lý rác thải của mỗi người Việt chỉ chiếm khoảng 1% hoạt động hàng ngày, nên việc phân loại rác nếu chỉ dựa trên sự tự giác mà không có chế tài sẽ rất khó thực hiện”, bà Lý nói. 

Theo bà Lý, ngay cả khi người dân đã phân loại rác, nhiều đơn vị thu gom, vận chuyển do vấn đề kinh phí, không thành lập tổ thu gom phân loại nên lại gom hết rác vào một chỗ, gây ra bất cập, khó khăn trong áp dụng công nghệ xử lý.  

Mặt khác, hơn 70% rác thải sinh hoạt tại Việt Nam là rác hữu cơ, rác “ướt” nên muốn sử dụng công nghệ đốt để phát điện hay làm phân composite cần rất nhiều năng lượng. Điều này tạo ra nghịch lý, muốn đốt rác để tạo ra năng lượng nhưng lại tiêu tốn năng lượng gấp nhiều lần để đốt rác.

Từ đó, đặt ra vấn đề sử dụng công nghệ nào để xử lý rác sinh hoạt tại Việt Nam vẫn chưa có lời giải hợp lý. 

Bài học từ Hàn Quốc

Các chuyên gia dẫn ra nhiều ví dụ từ các nước như: thu gom rác phân loại theo tuần, tháng tại Nhật; hệ thống biến rác thành năng lượng sạch thông qua lò đốt khép kín của Singapore; mô hình kinh tế lấy rác tái chế làm tài nguyên của Hàn Quốc,…

Trong đó, mô hình kinh tế lấy rác thải tái chế làm tài nguyên đầu vào của Hàn Quốc được nhiều chuyên gia đánh giá cao về tính khả thi nếu thực hiện tại Việt Nam.

Theo CECR, do chính sách tư nhân hóa và áp dụng tối đa công nghệ khoa học trong thu gom, xử lý và tái chế rác nên đến nay, việc xử lý rác tại Hàn Quốc sử dụng rất ít nhân công nhưng vẫn hiệu quả. 

Theo chuyên gia, tại Việt Nam, vấn đề thu gom, xử lý rác có thể sớm được giải quyết nếu ban hành chính sách chuyển việc xử lý rác từ Nhà nước sang tư nhân thực hiện, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Mặt khác, việc quản lý sẽ dễ dàng hơn nếu các đơn vị có thể thống kê chính xác lượng rác thải mỗi ngày của các hộ dân, khu phố thông qua phương thức như: yêu cầu dân viết nhật ký thải rác theo ngày, hoặc yêu cầu các đơn vị thu gom thực hiện phân loại, cân rác.

Hàn Quốc tái chế rác thải nhựa sinh hoạt để sử dụng theo hướng “kinh tế tuần hoàn”.

Ở Hàn Quốc, các bãi chôn lấp rác hầu hết đã dừng hoạt động vì phần lớn lượng rác thải sinh hoạt đều được tái chế để tiếp tục sử dụng theo hướng “kinh tế tuần hoàn”. “Kinh tế tuần hoàn” hiểu theo cách đơn giản là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. 

Theo Chủ tịch CECR, ở cấp độ gia đình và cộng đồng chúng ta có nền kinh tế này. Mặc dù, rất nhỏ nhưng đã có hoạt động tái chế rõ rệt, chẳng hạn như lực lượng mua phế liệu đi thu gom chai, lọ, nhựa,… hay có nhiều cơ sở tái chế nhựa nhỏ lẻ của tư nhân, gia đình để sản xuất ra túi nilon, có nhiều xưởng nhựa đã làm chậu nhựa từ các loại nhựa khác nhau...

“Những người đi mua ve chai, phế liệu rất nhiều, chúng ta có thể yêu cầu người dân phân loại rác tại nhà, rác tái chế bán lại cho những người này qua việc tập trung họ, thành lập nên các tổ thu mua tai địa phương, vừa khuyến khích người dân phân loại rác vừa tạo ra thu nhập”, TS Lý nói.

Mong muốn xây dựng nền "kinh tế tuần hoàn" trong xử lý rác thải sinh hoạt là một hướng hết sức quan trọng mà nước ta đang xây dựng. Tuy nhiên, để có một hệ thống tái chế, tái sử dụng và xử lý rác hoàn hảo đòi hỏi quá trình lâu dài, không thể có ngay được.

MAI THÚY

Tin mới