Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nghịch lý doanh nghiệp: Gửi tiền ngân hàng chờ lấy lãi

Chi phí lãi vay tăng cao, DN làm ra lợi nhuận bao nhiêu đều dồn vào để trả nợ ngân hàng.

Các doanh nghiệp niêm yết, lâu nay được coi là doanh nghiệp mạnh bởi họ phải qua “sàng lọc” mới được lên sàn chứng khoán. Thế mà, đến mùa công bố kết quả kinh doanh chín tháng đầu năm, không ít doanh nghiệp thua lỗ liên tiếp các quý.

Vào những ngày này, các cổ đông dễ thấy các công ty tới tấp xin ý kiến giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2011. SJC xin giảm 19% kế hoạch lợi nhuận, SDU xin giảm 83%, IJC giảm hơn 40%…

Còng lưng vì lãi suất

Đa số công ty xin giảm thuộc lĩnh vực xây dựng hoặc chứng khoán. Việc tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), một doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng, báo lỗ 119,38 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm (trong khi cùng kỳ năm 2010 lãi 586,63 tỉ đồng), cho thấy doanh nghiệp bất động sản càng bế tắc trong vòng xoáy thiếu hụt vốn.

Kinh doanh khó khăn khiến không ít doanh nghiệp đã chọn cách không làm gì, chỉ gửi tiền vào ngân hàng cũng mang về lợi nhuận. Ảnh: L.Q.N 
Đa số kết quả kinh doanh vẫn còn chưa ló diện, song đến ngày 25.10, qua 173 công ty trên sàn TP.HCM nộp báo cáo tài chính quý 3, cho thấy chi phí tài chính tăng, mà lãi suất cao là lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ hoặc có mức lợi nhuận sụt giảm so cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận làm ra bao nhiêu đều dành để trả nợ ngân hàng. Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (VPH) lỗ 10,61 tỉ đồng trong quý 3. Nguyên nhân là do chi phí lãi vay của công ty tăng gấp ba lần so cùng kỳ. Vì vậy, doanh thu thuần quý 3 của công ty là 23,95 tỉ đồng, tăng 49,31% cũng không bù đắp lại được.

Tương tự, Hữu Liên Á Châu (HLA) có được lợi nhuận sau thuế quý 3 là 78,13 tỉ đồng, song chi phí tài chính, mà chủ yếu là lãi vay lên tới 58,66 tỉ đồng, khiến HLA chỉ còn 11 triệu đồng lợi nhuận sau thuế.

Cạnh đó, thị trường chứng khoán ảm đạm khiến phần lớn công ty chứng khoán tiếp tục báo lỗ. BSC báo lỗ 134,6 tỉ đồng, SME lỗ 6 tỉ đồng, VIG lỗ 25,8 tỉ đồng, TAS lỗ 5,7 tỉ đồng…

Giá nguyên vật liệu đầu vào, tỷ giá, chi phí quản lý doanh nghiệp… tăng trong chín tháng vẫn là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ. Như HHG, với áp lực giá xăng, dầu, lãi vay, công ty này đã lỗ 1,95 tỉ đồng trong quý 3.

Chọn cách... không làm gì

Kinh doanh khó khăn khiến không ít doanh nghiệp đã chọn cách không làm gì, chỉ gửi tiền vào ngân hàng cũng mang về lợi nhuận. Như công ty cổ phần Đá Núi Nhỏ (NNC) lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt 26,45 tỉ đồng, tăng 35% so cùng kỳ năm ngoái, có đóng góp lớn từ lãi tiền gửi ngân hàng. Một số công ty chứng khoán có lãi trong quý 3 cũng nhờ phần lớn vào tiền lãi ngân hàng.

Theo chứng khoán HSC, ở Dược Hậu Giang (DHG), lãi tiền gửi được nhận đạt 35 tỉ đồng, tăng 31% nhờ DHG có lượng tiền gửi ngân hàng trên 500 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm, với kỳ hạn bình quân từ 1 – 3 tháng. Doanh thu từ lãi này cũng góp phần không nhỏ vào lợi nhuận của Vinamilk, Masan.

Những doanh nghiệp có mức lợi nhuận cao từ hoạt động sản xuất kinh doanh đa số là các doanh nghiệp thuộc ngành thuỷ sản, cao su, phân bón, dầu khí, ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm. Song, điều đáng chú ý là họ có lời phần lớn từ yếu tố khách quan là giá bán sản phẩm tăng từ đầu năm đến nay.

Đối mặt nợ xấu

Theo thống kê chín tháng đầu năm của cơ quan thuế, trên cả nước có khoảng 49.000 doanh nghiệp đóng cửa, tạm ngưng sản xuất, phá sản. Điều này phản ánh phần nào thực trạng khó khăn của nền kinh tế. “Trong 20 năm qua, chưa có khi nào tình hình diễn ra như vậy”, một quan chức nhận xét.

Mặt khác, các ngân hàng đều báo lãi lớn, mà trong đó, thu nhập từ lãi thuần của các ngân hàng đều tăng vọt, như Sacombank, chín tháng đầu năm, thu nhập thuần từ lãi tăng 80% so cùng kỳ, ACB tăng hơn 60%, Vietcombank tăng 51%. Trong khi đó, xét ra, các ngân hàng bị giới hạn tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%. Nhưng đơn cử như Sacombank, chín tháng đầu năm, ngân hàng này cho vay ra chỉ 2.790 tỉ đồng, vậy mà thu từ lãi thuần gần 4.000 tỉ đồng, tăng 1.700 tỉ đồng so cùng kỳ. Điều đó cho thấy các tổ chức tín dụng đã thu lợi lớn từ chênh lệch lãi suất huy động và cho vay.

Quan trọng hơn, việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh cho thấy rủi ro nợ xấu tăng cao. Vietcombank (VCB) đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chín tháng 1.687 tỉ đồng, gấp ba lần cùng kỳ năm 2010. Còn Sacombank, ACB khoản trích lập rủi ro tín dụng chín tháng cũng gấp hai lần cùng kỳ năm ngoái.

Theo tờ VnEconomy (ngày 27.10), nợ xấu liên tục tăng qua từng tháng, đến cuối tháng 8.2011 ở mức 76.000 tỉ đồng. Nếu so với thời điểm tháng 8.2010 thì nợ xấu đã tăng từ mức 2,53% lên 3,21%. Ngân hàng có nguy cơ bị “quỵt nợ” 37.000 tỉ đồng, trong đó riêng Vietcombank là gần 5.000 tỉ đồng.


Theo SGTT

Nguồn:

Tin mới