Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nghỉ việc có cần thông báo trước không?

(VTC News) -

Người lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tuy nhiên việc chấm dứt hợp đồng lao động sẽ phải tuân theo quy định của pháp luật.

Hỏi: 

Công ty tôi làm hiện lương thấp, không có thêm các khoản phụ cấp, phải làm thêm giờ, tăng ca nhiều khiến tôi kiệt sức, tôi muốn nghỉ việc, nhưng tôi đã ký hợp đồng lao động 5 năm với công ty. Xin hỏi, trong trường hợp nào thì người lao động nghỉ việc cần báo trước, trường hợp nào không cần báo trước?

Trả lời:

Trường hợp nngười lao động nghỉ việc phải báo trước:

Người lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tuy nhiên việc chấm dứt hợp đồng lao động sẽ phải tuân theo quy định của pháp luật. Cụ thể tại Điều 34, Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng pháp luật.

Ngoài ra tại Khoản 1, Điều 35, Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động. Theo đó, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

Báo trước ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Báo trước ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

Báo trước ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, theo quy định người lao động nghỉ việc trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sẽ phải báo trước. Thời gian báo trước tùy thuộc vào hợp đồng lao động đã ký kết với người sử dụng lao động và công việc đặc thù của người lao động.

Việc chấm dứt hợp đồng lao động sẽ phải tuân theo quy định của pháp luật. (Ảnh minh họa).

Trường hợp nghỉ việc không cần báo trước

Bên cạnh các trường hợp người lao động nghỉ việc phải báo trước thì pháp luật cũng quy định cụ thể các trường hợp đặc biệt người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước.

Cụ thể, theo Bộ luật Lao động 2019 các trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp bố trí không đúng theo hợp đồng do người sử dụng lao động gặp khó khăn đột xuất (bị thiên thai, hỏa hoạn, dịch bệnh … theo Điều 29 Bộ luật Lao động 2019).

Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019;

Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019;

Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Người lao động nghỉ việc không báo trước thuộc các trường hợp được nêu ở trên được coi là chấm dứt hợp đồng đúng luật và không bị phạt. Đồng thời người lao động vẫn được hưởng những lợi ích như được thanh toán tiền lương, tiền nghỉ phép năm, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc.

Trong trường hợp người lao động nghỉ việc thuộc trường hợp phải báo trước mà không thực hiện, sẽ phải bồi thường cho người sử dụng lao động. Mức độ bồi thường theo hợp đồng lao động hoặc căn cứ vào những tổn thất mà người sử dụng lao động gặp phải. Tuy nhiên, trong trường hợp này họ vẫn được hưởng các quyền lợi như được thanh toán tiền lương, tiền nghỉ phép năm.

Xuân Thuận

Tin mới