Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nghi vấn Tenma hối lộ công chức Bắc Ninh: Đại biểu Quốc hội lên tiếng

(VTC News) -

"Nếu có chuyện công ty Nhật hối lộ công chức Việt Nam 25 triệu yên thì đó là việc làm phi pháp, chúng ta phải lên án hành vi đó và cần xử lý nghiêm".

Những ngày gần đây, một số hãng thông tấn, báo của Nhật Bản như Asahi, Kyodo, Nikkei... đã đưa tin Công ty TNHH Tenma Việt Nam (công ty mẹ tại Tokyo, Nhật Bản) đã khai báo 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên cho một số cán bộ, công chức Việt Nam.

Bài viết trên báo Asahi của Nhật Bản.

 

Cụ thể, theo bài viết đăng ngày 12/5 trên báo Asahi của Nhật, hãng sản xuất nhựa Tenma-  có trụ sở tại Tokyo Nhật Bản đã “đầu thú” với Tòa án Tokyo rằng một công ty con của hãng tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh, Việt Nam - công ty TNHH Tenma Việt Nam - đã hối lộ cán bộ nhà nước của Việt Nam với ước tính tổng số tiền lên đến 25 triệu yên (tương đương khoảng 5,4 tỷ đồng).

Các công tố viên quận Tokyo ban đầu đánh giá hành vi này của Tenma đã vi phạm Luật phòng chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản.

Theo cơ quan điều tra, khoản tiền trên được lãnh đạo Công ty Tenma trực tiếp thông qua khoản “phí điều chỉnh” cho các cán bộ của của một cơ quan địa phương của Việt Nam nhằm được miễn giảm khoản truy thu thuế đối với công ty con tại Việt Nam.

Khoản “phí điều chỉnh” trị giá 25 triệu yên này được thực hiện qua 2 lần. Cụ thể, lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2017, sau khi nhận được thông báo về khoản truy thu thuế giá trị giá tăng với vật liệu thô nhập khẩu lên tới 400 tỷ đồng, lãnh đạo của công ty con Tenma Việt Nam đã trình trụ sở chính về “sáng kiến” hối lộ cho các cán bộ địa phương Việt Nam nhằm được miễn khoản tiền trên.

Được sự đồng ý của ông Kento Fujino, Chủ tịch tại trụ sở chính của công ty, Tenma Việt Nam đã trả 2 tỷ đồng (khoảng 10 triệu yên) cho cán bộ của Việt Nam. Kết quả, công ty này đã được miễn 400 tỷ đồng.

Trụ sở Công ty Tenma Việt Nam tại Khu Công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: MQ)

 

Ngoài ra, vào tháng 8 năm 2019, sau một cuộc kiểm tra thuế và được cán bộ địa phương Việt Nam yêu cầu nộp thêm khoản thuế 17,8 tỷ đồng (khoảng 89 triệu yên) bao gồm thuế doanh nghiệp. Tuy nhiên, cán bộ điều tra thuế yêu cầu phía công ty trả tiền mặt 3 tỷ đồng. Công ty này thực hiện theo và sau cùng được giảm khoản truy thu thuế doanh nghiệp từ 17,8 tỷ đồng xuống còn khoảng 570 triệu đồng (2,62 triệu yên).

Theo nguồn tin, vào ngày 1/4 năm nay, chính các lãnh đạo công ty tại trụ sở Tokyo đã tự nguyện khai ra những sai phạm này cho Văn phòng Công tố viên quận Tokyo. Mặt khác, vào ngày 1 đầu tháng này, trên trang web đã có công bố rõ rằng Chủ tịch Fujino sẽ nhận những trách nhiệm này và sẽ được cho “nghỉ hưu” chính thức tại cuộc họp cổ đông vào tháng 6.

Tenma là công ty Nhật Bản bắt đầu hoạt động từ năm 1949. Theo báo cáo chứng khoán hàng năm, doanh thu bán hàng trong năm 2018 của Tenma là 84,8 tỷ yên với 7.557 nhân viên trên toàn cầu.

Trước sự việc trên, bên hành lang Quốc hội sáng 25/5, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm, nếu đó là việc làm có thật thì đó là việc làm phi pháp và điều rất đơn giản là chúng ta phải lên án hành vi đó.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Theo ông Dương Trung Quốc, dù chưa xác minh được toàn bộ sự việc nhưng đây cũng là một thông tin để Việt Nam cải thiện được môi trường đầu tư, kinh doanh, đón làn sóng đầu tư FDI sắp tới. Do đó, cơ quan luật pháp Việt Nam cần liên hệ với các cơ quan nước bạn, đề nghị cung cấp các thông tin liên quan để phối hợp cùng điều tra.

Để xác thực thông tin này, tôi mong cơ quan pháp luật phải nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra cụ thể. Bởi vì lâu nay, những người làm trong ngành hải quan, thuế vụ luôn phải đối mặt với những cám dỗ về lợi ích, về tiền bạc đặt ra”, ông Dương Trung Quốc nói.

Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng  cho rằng, cơ quan chức năng của Việt Nam cần vào cuộc xem xét, xác minh và làm rõ, vì nó ảnh hưởng đến quan hệ của 2 quốc gia là Việt Nam và Nhật Bản. Vì theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, người Nhật trước nay làm việc rất nghiêm khắc, tất nhiên cũng có chuyện nọ chuyện kia, nhưng xảy ra lâu rồi.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng thẳng thắn bày tỏ, việc này Bộ Tài chính nên sớm vào cuộc để xử lý, tránh như như vừa rồi ở Cục dự trữ Nhà nước.

Nếu có việc hối lộ này - số tiền khoảng 25 triệu Yên, tương đương với khoảng 250.000 USD (hơn 5 tỷ đồng) - là số tiền rất lớn, nên nếu có vi phạm thì phải kiên quyết xử lý, vì liên quan đến hành vi hối lộ và nhận hối lộ”, ông Nhưỡng nói.

Theo ông Nhưỡng, chúng ta cũng cần xem kỹ lại báo cáo của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho biết,  khoảng 54% doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải chi trả ngoài pháp luật để bôi trơn, tất cả những cái đó sẽ là điều để Việt Nam có thái độ khách quan, tích cực đón nhận những thông tin như trên để xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Với tình hình tham nhũng hiện tại, chúng ta có thể tham khảo chỉ số về cảm nhận tham nhũng của tổ chức minh bạch quốc tế sẽ thấy rằng, Việt Nam tuy có tiến bộ nhưng xếp hạng về tham nhũng trên thế giới còn rất thấp.

"Chúng ta nên tỏ thái độ khách quan, tôn trọng sự việc, và thúc đẩy sự hợp tác làm rõ sự việc này trên khía cạnh hợp tác, xây dựng. Trên cơ sở có kết quả thì sẽ rút ra kết luận, cũng như có cái nhìn tổng quan hơn để phòng, chống những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai", ông Nhưỡng nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đặt vấn đề: sau vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính phải rà soát lại và có giải pháp để xử lý.

Cần xem lại công tác cán bộ của ngành hải quan, vì vấn đề quan trọng nhất là người thực hiện, là cán bộ hải quan, nếu người đó không vững vàng thì sẽ rất dễ mắc sai lầm, vi phạm. Cho nên, cần có cơ chế để giám sát cán bộ thực hiện nhiệm vụ tránh để lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng để ăn hối lộ”, ông Nhưỡng phân tích.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng thẳng thắn bày tỏ, việc này Bộ Tài chính nên sớm vào cuộc, nếu có việc đó, cần có giải pháp để xử lý. Trong trường hợp không có chuyện đưa- nhận hối lộ thì cũng sẽ có quan điểm, giải pháp kiến nghị xử lý với bên dựng chuyện đổ tội cho cán bộ hải quan Việt Nam.

Không thể để tình trạng nước đến chân mới nhảy, nhà cháy rồi mới đi gọi cứu hỏa. Vì như vừa rồi ở Cục dự trữ Nhà nước, lẽ ra chúng ta biết sớm xử lý thì không đến nỗi. Nhưng khi biết ra, phải xử lý, vừa mất cán bộ, vừa mất uy tín mà kho dự trữ thì trống trơn. Mất niềm tin là mất mát lớn nhất”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Sáng 25/5, trả lời VTC News, ông Ngô Xuân Tòng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay Tổng Giám đốc của Công ty Tenma chưa sang Việt Nam làm việc nên chưa thể xác định rõ thông tin được đăng tải trên báo Nhật rằng Công ty Tenma hối lộ hơn 5 tỷ đồng cho công chức địa phương. Theo ông Tòng, hiện các cơ quan chức năng Bắc Ninh chưa nhận được bất cứ thông tin chính thức từ phía cơ quan chức năng Nhật.

"Đây mới là thông tin từ báo chí Nhật đăng tải, chúng tôi chưa tiếp nhận sự việc cũng như bất cứ chứng cứ nào từ phía cơ quan chức năng Nhật. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm việc với Công an tỉnh Bắc Ninh và Cục Hải quan Bắc Ninh, cũng đã báo cáo toàn bộ nội dung sự việc với Bộ Tài chính", ông Tòng cho biết.

Cũng trong sáng nay (25/5), trao đổi với phóng viên báo chí,  bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, bà đã đã nắm được thông tin trên và đang cho cấp dưới kiểm tra, làm rõ.

"Việc này tôi đã nắm được và đang giao cho anh em kiểm tra, làm rõ", bà Giang nói.

Phi Long/VOV.vn

Tin mới