Theo báo cáo năm 2019 của Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) “Health at a Glance”, Nga nằm trong số 10 quốc gia có mức tiêu thụ rượu trên đầu người cao nhất thế giới. Đứng vị trí đầu tiên trong xếp hạng này là Litva, khi người dân nước uống trung bình 12,3 lít rượu mỗi năm. Ở các vị trí tiếp theo là Áo (11,8 lít), Pháp (11,7 lít), CH Séc (11,6 lít), Luxembourg (11,3 lít), Latvia và Ireland (11,2 lít). Nga trong bảng xếp hạng này xếp vị trí thứ bảy với 11,1 lít/người/năm.
Nga đứng thứ năm trên thế giới về số vụ tai nạn giao thông năm 2018. (Ảnh: RIA)
Nga cũng đứng thứ năm trên thế giới về số vụ tai nạn giao thông - theo số liệu thống kê năm 2018 của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong khi đó, cứ 8 vụ tai nạn nghiêm trọng ở nước này lại có 1 vụ do người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép gây ra. Hàng năm, lực lượng cảnh sát và thanh tra giao thông Nga phải xử lý hàng triệu tài xế “ma men”. Chỉ tính riêng trong năm 2018, gần 5 nghìn người Nga mất mạng và 22,3 nghìn người khác bị thương trong những vụ tai nạn mà tài xế say rượu - theo TASS.
Trước tình hình trên, các hình phạt dành cho những tài xế gây tai nạn khi đang trong tình trạng say xỉn liên tục được chính quyền Nga siết chặt. Mới đây nhất, nước này đã thông qua những sửa đổi trong Bộ luật Hình sự, có hiệu lực từ ngày 28/6/2019.
Cụ thể, theo luật sửa đổi, nếu nạn nhân của vụ tai nạn giao thông bị tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, người gây tai nạn phải đối mặt với án tù từ 3 đến 7 năm (trước đó là 4 năm). Trong trường hợp có 1 người chết, thời hạn sẽ là từ 5 đến 12 năm (trước đó là từ 2 đến 7 năm). Nếu có 2 người hoặc nhiều người chết trong vụ tai nạn, “ma men” sẽ phải chịu mức án từ 8 đến 15 năm tù (trước đó là 4 đến 9 năm).
Việc sửa đổi luật lần này được xây dựng theo sáng kiến của Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin bởi nhóm nghị sĩ do ông Andrei Isaev, thuộc đảng “Nước Nga thống nhất”, và ông Sergei Areninin, thành viên của Hội đồng Liên bang, dẫn đầu.
“Mỗi năm, hơn 4 nghìn người chết dưới bánh xe của những tài xế say rượu, hơn 20 nghìn người bị thương tật. Đó là những số phận bất hạnh cho họ và người thân. Hãy tưởng tượng – trong 5 năm, cả một thành phố sẽ biến mất dưới bánh xe của các tài xế ma men” - ông Volodin phát biểu khi luật được thông qua tại Duma Quốc gia.
Theo ông Isaev, hành động của một người điều khiển phương tiện trong tình trạng say rượu, đâm chết ai đó hoàn toàn có thể được quy kết là một tội ác có chủ ý. “Dù biết rằng hành vi của mình là phạm tội, nhưng người sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện, bất chấp mạng sống của anh ta và những người khác” - nghị sĩ lưu ý.