Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nghị quyết mới về phát triển du lịch: Chú trọng đón khách 'nhà giàu'

Tái cơ cấu, chú trọng thị trường chi trả cao là nội dung trọng tâm của Nghị quyết 82 được Chính phủ ban hành ngày 18/5 về đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch.

Theo Nghị quyết 82/NĐ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, ký ban hành ngày 18/5, tuy mở cửa hoàn toàn từ 15/3/2022, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục.

Cụ thể, hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư vào du lịch chưa đột phá, chiến lược thị trường, chính sách xúc tiến chưa kịp thời điều chỉnh trước những biến động. Sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, các dịch vụ lưu trú, thương mại, vận tải,... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế. Sự liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch, hệ thống hạ tầng phục vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, tổ chức sự kiện... còn thiếu, chưa đồng bộ.

Đặc biệt, chính sách thị thực cho khách quốc tế có điểm chưa phù hợp, thời hạn tạm trú ngắn. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế,...

Với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trưởng vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nằm trong nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành đồng loạt triển khai các giải pháp cụ thể.

Tái cơ cấu lại thị trường khách du lịch

Với mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững, Chính phủ yêu cầu Bộ VH-TT&DL tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách.

Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh thị trường du lịch nội địa, tạo nền tảng cho tăng trưởng bứt phá trong ngắn hạn. Đa dạng hóa, khai thác hiệu quả thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, phát triển phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh; tăng cường nghiên cứu, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và đưa ra các chính sách kịp thời, phù hợp. 

Du lịch Việt Nam cần tập trung vào dòng khách quốc tế có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày.

Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ VH-TT&DL cơ cấu lại các hoạt động du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động của kinh tế thế giới. 

Người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ VH-TT&DL, UBND các tỉnh, thành đề xuất đổi mới cơ chế, chính sách đột phá để huy động các nguồn lực, cơ cấu lại ngành du lịch để thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu phục hồi, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên vùng. Hình thành mô hình liên kết giữa các địa phương, có sự tham gia của cơ quan du lịch quốc gia và doanh nghiệp lớn.

Đặc biệt, UBND các địa phương cần đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.

Tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh

Liên quan đến việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại cho khách quốc tế. Nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Chính phủ về mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (e-visa).

Từ đó, báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài nhằm tạo thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo hướng bảo đảm tính thống nhất về quy định cấp e-visa và thị thực truyền thống, kéo dài thời gian tạm trú cho du khách khi vào Việt Nam. 

Bộ Công an cũng cần cải tiến mạnh mẽ quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh tại các cửa khẩu hàng không, bảo đảm nhanh chóng và tiện lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam. 

Bộ Giao thông vận tải triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam. Nâng cao năng lực điều hành tại các sân bay, trọng tâm là sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; phát triển loại hình thuê chuyến (charter) phục vụ du lịch. Hỗ trợ các hãng hàng không mở thêm các đường bay mới. 

Ngoài ra, Chính phủ nhấn mạnh, cần tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia, dựa trên Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ VH-TT&DL, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đưa giá vé máy bay về đúng thị trường 

Đặc biệt, để hỗ trợ các DN kinh doanh du lịch, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” để áp dụng giá bán lẻ điện ngang bằng giá bán lẻ điện cho khách hàng sản xuất. 

Bộ VH-TT&DL phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu các chính sách kích cầu, gói hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu. 

Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. 

Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, điều phối giờ hạ, cất cánh tại cảng hàng không, sân bay (slot) theo hướng sử dụng linh hoạt; hỗ trợ các hãng bay trong việc trao đổi với các nhà chức trách hàng không nước ngoài về việc sử dụng slot bay quốc tế trên cơ sở có đi có lại, để phục vụ tốt nhất nhu cầu phát triển du lịch. 

Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xem xét điều chỉnh khung giá trần trong ngắn hạn, đưa giá vé  máy bay về đúng cơ chế thị trường, gỡ khó cho các hãng hàng không Việt Nam có điều kiện tích luỹ năng lực, nâng cao khả năng cạnh tranh với các hãng quốc tế.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới