Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Nghị quyết 30 tốt nhưng chưa giải quyết triệt để thiết bị y tế, cần thêm luật'

(VTC News) -

Dù cho rằng Nghị định 07 và Nghị quyết 30 giúp gỡ điểm nghẽn thiếu thiết bị, vật tư y tế, nhưng theo các đại biểu Quốc hội về lâu dài cần ban hành thêm luật.

Tốt nhưng chưa đủ

Trả lời VTC News, đại biểu Quốc hội Trần Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, với Nghị quyết 30 và Nghị định 07, các bệnh viện sẽ "dễ thở" hơn trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, hoá chất trong y tế.

Tuy nhiên, hai văn bản mới này chỉ giải quyết vấn đề cấp bách trong phạm vi năm 2023 và đầu 2024, về lâu dài thì không thể. Nghị quyết 30 và Nghị định 07 không phải văn bản quy phạm pháp luật, không có tính ổn định, vững chắc.

"Về lâu dài, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế vẫn cần nghiên cứu, sớm hoàn thiện và ban hành Luật Đấu thầu sửa đổi", bà Hà nói.

Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ khắc phục tình trạng khi xây dựng hồ sơ mời thầu cần phải thống kê các loại bảng giá đi kèm, trong đó, luôn ưu tiên vật tư, thuốc giá rẻ nhất. Nhưng thực tế phần lớn các hàng rẻ không phù hợp, không đảm bảo chất lượng yêu cầu của ngành Y tế.

Đại biểu Quốc hội Trần Nhị Hà. (Ảnh: Quochoi.vn)

"Mua theo đấu thầu về bệnh viện, cơ sở y tế không sử dụng được hoặc sử dụng kém hiệu quả. Song nếu không mua thì không thể duy trì công tác khám, chữa bệnh. Chưa kể vấn đề chẳng may mua sai quy trình rất dễ rơi vào vòng lao lý", Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.

Luật Đấu thầu sửa đổi tới đây cần tập trung khắc phục được tình trạng chọn giá đấu thầu rẻ nhất, thấp nhất mà chú trọng chất lượng và nhà thầu.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế diễn ra từ năm ngoái đến nay, chủ yếu do mua sắm đấu thầu tập trung chậm và hàng chục nghìn giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hạn. Đợt thiếu thuốc năm 2020 chủ yếu liên quan đến Luật Dược và các hướng dẫn thực hiện. Bộ Y tế đã gia hạn hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hạn.

Lần này, các bệnh viện thiếu vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm hoặc phục vụ chụp chiếu chẩn đoán hình ảnh, liên quan đến Nghị định 98 của Chính phủ và Thông tư 68 của Bộ Tài chính về mua sắm trang thiết bị y tế. Khủng hoảng vật tư khiến Bệnh viện Việt Đức phải hạn chế mổ, chỉ ưu tiên mổ cấp cứu. Bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy chuyển bệnh nhân đến nơi khác chụp chiếu, nhiều bệnh viện cả nước phải sử dụng vật tư y tế dè sẻn hoặc bệnh nhân phải tự mua vào cho bác sĩ dùng.

Tình trạng này được lãnh đạo các bệnh viện đánh giá là "cấp cứu của cấp cứu". Do đó, trong hai ngày 3 - 4/3/2023 Chính phủ liên tiếp ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30 (thi hành ngay), cơ bản giải quyết trước mắt khủng hoảng vật tư y tế. Bộ Y tế đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hướng dẫn thực hiện để sớm ban hành.

Cần giải pháp lâu dài

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan đánh giá việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 và Nghị định 07 giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các bệnh viện đang gặp phải. Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, về lâu dài sẽ cần thêm nhiều giải pháp khác rộng hơn.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan. (Ảnh: Quochoi.vn)

Nghị quyết 30 giúp các bệnh viện giải quyết vướng mắc trong thanh toán, đặt máy móc và không cần 3 báo giá nhà cung cấp… nhưng nghị quyết chỉ mang tính thời điểm. Các quy định trong nghị quyết có thể "rút hạ" bất cứ lúc nào và không tạo nền pháp lý đủ vững để các bệnh viện an tâm thực hiện.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần sửa đổi Luật Đấu thầu, "chí ít phải có một chương quy định riêng cho thuốc và trang thiết bị y tế". 

Bên cạnh đó, hệ thống y tế công lập hay tư nhân ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều đặt ra vấn đề kiểm soát thất thoát như kê khống giá, tráo đổi thiết bị bên trong, bởi chỉ cần cấu hình khác nhau, giá đã rất khác.

Vì vậy nếu chỉ đấu thầu thì không kiểm soát được việc này, vấn đề là làm sao càng công khai minh bạch càng tốt. Các đơn vị khi mua sắm không bị ràng buộc yếu tố "ngon, bổ, rẻ". Đây là những vấn đề rất khó. Điều cần bây giờ là giá cả hợp lý và các thông tin phải công khai minh bạch.

Với Nghị định 07, bà Lan cho rằng chỉ can thiệp việc quản lý trang thiết bị, giải quyết vướng mắc về số lưu hành và giấy phép nhập khẩu từ nay đến 31/12/2024. Sau đó, các bệnh viện muốn tháo gỡ tiếp thì lại cần một nghị định khác, không có sự ổn định, "cần xem xét quy chế gia hạn tự động số lưu hành".

Vị đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng chỉ ra thêm một điểm vướng chưa được giải quyết triệt để trong nghị định 07. Nghị định này quy định các bệnh viện tham khảo giá trúng thầu 12 tháng nhưng thực tế hai năm chưa có đơn vị trúng thầu, nên rất khó có căn cứ để các bệnh viện thực hiện.

Để giải quyết vấn đề tận gốc, theo bà Lan, cần sự vào cuộc và trách nhiệm hơn nữa của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là vấn đề kinh tế y tế chứ không đơn thuần vấn đề chuyên môn y tế.

"Một mình ngành Y tế không thể đủ khả năng khi xây dựng Luật Đấu thầu, các nghị định, thông tư về mua sắm trong khi trang thiết bị y tế, thuốc có rất nhiều đặc thù", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Điều thiếu nhất trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị hiện nay là góc độ pháp lý, trong khi cơ quan công an điều tra là yếu tố vụ lợi, tức là giữa hai bên "bắt tay nhau", công ty chia tiền cho chủ thầu hay không…  Những giá công khai trên mạng chỉ so sánh được giá cả, nhưng theo Luật giá thì không có yếu tố nào cho thấy hàng hóa đó là đắt hay rẻ, các công ty có ghi khống giá hay hạ thấp giá.

Các đại biểu mong sớm có Luật đấu thầu sửa đổi nhằm giải quyết triệt để tình trạng thiếu thiết bị y tế. (Ảnh minh hoạ: T.N)

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Trí Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy bày tỏ, Nghị quyết 30 chưa gỡ được khó khăn trong việc sửa chữa thiết bị y tế bị hư hỏng. 

Theo quy định hiện hành, các bệnh viện muốn sửa chữa các thiết bị y tế hỏng, thay thế phụ kiện...phải có trong kế hoạch trung hạn 5 năm, làm báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình cấp có thẩm quyền thông qua HĐND Thành phố theo trình tự Luật Đầu tư công và Nghị định 40... Việc này chưa được đề cập đến trong Nghị quyết 30.

Ông Thức cũng chỉ ra thêm hai khó khăn nữa, mong Bộ Y tế sớm có phương án giải quyết. Một là, viện phí mới thu 2/4 yếu tố cấu thành, dẫn tới giá bảo hiểm chi trả thấp hơn so với giá trị dịch vụ. Các bệnh viện cũng đang mong quy định về giá dịch vụ theo yêu cầu. Quy định về viện phí theo yêu cầu dự định đã được ban hành cuối năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa có.

Ngoài ra, ông Thức cho rằng các thiết bị diện liên doanh liên kết (đã có từ lịch sử nhưng chưa hết hợp đồng) hiện chưa có quy định về chia lợi nhuận giữa bệnh viện và nhà đầu tư, do đó máy (đều là thiết bị giá trị cao) đắp chiếu mà người bệnh/bệnh viện lại không có máy sử dụng. 

Thiết bị y tế tiền tỷ nằm "đắp chiếu" ở Bệnh viện Bạch Mai.

Hà Cường

Tin mới