Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nào cũng tái diễn cảnh các bãi biển, khu vui chơi giải trí, điểm du lịch ken đặc người. Đành rằng, nghỉ ngơi, thư giãn, đi du lịch là nhu cầu cần thiết của mỗi người, nhưng thực tế khi trải nghiệm trong biển người đó tôi mới thấy kết quả thu về là rất tệ.
Bãi biển Vũng Tàu đông nghịt người mỗi dịp nghỉ lễ. (Ảnh minh họa)
Để đi chơi dịp lễ 30/4-1/5, các gia đình phải bỏ ra số tiền lớn để đặt vé máy bay, phòng khách sạn đều cao hơn hẳn ngày thường. Cứ cho là giá ăn uống không tăng, bạn cũng sẽ bực bội khi phải chờ lâu hơn, phải giục giã khô cả cổ mới được những nhân viên bận bịu của nhà hàng, quán ăn để ý đến. Trừ những resort cao cấp mà chỉ số ít gia đình có điều kiện hưởng thụ, bạn bước ra chỗ nào cũng thấy người đen đặc, không có một không gian yên tĩnh để thư giãn.
Dịp này, tắm biển nghĩa là len qua cả biển người, khi nhúng được xuống nước thì xoay bên nào cũng đụng phải ai đó, đừng mơ có thể bơi. Bước lên bãi cũng chẳng có chỗ mà ngồi xuống chứ đừng nói chuyện xây lâu đài cát, và thứ bạn có thể ngắm cũng chỉ có người và người.
Đó là chưa kể nếu đi du lịch vào những ngày lễ như 30/4-1/5, nguy cơ bị “chặt chém” rất cao. Nếu di chuyển bằng ô tô cá nhân, bạn sẽ dễ lâm vào cảnh chôn chân trên đường nhiều tiếng đồng hồ do tắc đường. Và trong tình hình dịch COVID-19 chưa được loại trừ, việc chen chúc trong biển người cũng làm tăng nguy cơ lây bệnh.
Nói chung, du lịch kiểu này là mất tiền để chịu khổ, thư giãn thì ít mà mệt mỏi thì nhiều. Trở lại Hà Nội sau những kỳ nghỉ như thế, nhiều người luôn cảm thấy kiệt sức, về đến nhà vẫn chưa hết bực mình, stress do nạn chặt chém. Ở không ít công sở, nhân viên đi làm trở lại trong dáng vẻ tơi tả, bơ phờ do không được nghỉ ngơi dù kỳ nghỉ kéo dài.
Đâu cứ nhất thiết nghỉ 30/4-1/5 là phải đi du lịch. Có nhiều lựa chọn trong kỳ nghỉ, mục đích là để chúng ta được giải trí, được vui vẻ, tận hưởng cuộc sống. Có thể dành những ngày này cho việc đoàn tụ với gia đình nội ngoại, tụ tập bạn bè, hoặc đơn giản chỉ là nghỉ ngơi. Cũng mất tiền du lịch nhưng nếu đi dịp khác thì sẽ rẻ và sung sướng hơn nhiều.
Có lẽ nhiều người sẽ bảo, thay đổi như vậy sẽ có hại cho ngành du lịch, vốn đang cần rất nhiều khách hàng để hồi phục sau đại dịch. Đừng lo về điều này, bởi trên thực tế, rất nhiều gia đình chỉ có thể đi vào kỳ nghỉ lễ. Bớt đi lượng khách có thể chủ động về thời gian, các khu du lịch cũng đã rất đông đúc rồi. Nếu nhà nào cũng đi, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi sẽ quá tải, đâu phục vụ hết được. Chính những gia đình dời kế hoạch du lịch sang những đợt thấp điểm giúp doanh nghiệp du lịch có doanh thu đều đặn.
Thay đổi thói quen chính là thay đổi chất lượng cuộc sống. Các bạn hãy thử thay đổi trong kỳ nghỉ lễ này xem nhé.