Sông Hoàng Hà ở Trung Quốc cổ xưa từng sinh ra nhiều sinh mệnh, nhưng cũng nuốt chửng vô số. Dưới dòng sông lớn này, có rất nhiều người đã bỏ mạng, trong đó có kẻ lỡ chân trượt ngã, có kẻ bị sát hại rồi bị vứt xác xuống sông, ngoài ra cũng có không ít người tự tử, gieo mình xuống dòng sông lạnh lẽo này.
Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ năm 1960 đến nay, trên sông Hoàng Hà gần khu vực Lan Châu, tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) có hơn 10.000 người chết. Những năm gần đây, thỉnh thoảng người ta lại nghe có tin tức về những xác chết trên sông Hoàng Hà.
Có thể nói, trong hàng thập kỷ qua, xác trên sông Hoàng Hà nhiều vô số kể, vận mệnh của những người chết cũng khác nhau, có người rơi xuống đáy sông rồi biến mất không dấu vết vì bị cát sông nhấn chìm, có người thì nổi trên mặt nước và được phát hiện chỉ sau vài ngày. Và những người phát hiện ấy chính là những người vớt xác trên sông Hoàng Hà.
Người vớt xác trên sông Hoàng Hà còn được gọi là “Thủy Quỷ”, là một nghề cổ xưa. Họ là một nhóm người đi trên ranh giới của sự sống và cái chết. Họ còn được coi là những người kết nối hai thế giới âm dương.
Trên thực tế, nghề vớt xác trên sông Hoàng Hà là một nghề thực sự tồn tại đến ngày nay. Do quan niệm truyền thống của người Trung Quốc “nghĩa tử là nghĩa tận”, họ cho rằng con người khi chết đi phải trở về với đất mẹ, phải được yên nghỉ.
Và những người vớt xác trên sông Hoàng Hà có nhiệm vụ vớt xác cho thân nhân của người chết và đổi lấy tiền công. Tuy nhiên, nghề này đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi của dư luận khi dùng người đã khuất để trục lợi, đặc biệt có người còn mặc cả với gia đình người chết để đòi giá cao hơn.
Mặt khác, một số ít lại cho rằng, nếu như không có những người vớt xác thì gia đình không thể tìm lại người thân, vì vậy việc những người vớt xác được trả công là xứng đáng. Hơn nữa, ở một khía cạnh nào đó, những người vớt xác trên sông Hoàng Hà cũng là những người làm được việc tốt.
Trên thực tế, nghề vớt xác là nghề có độ rủi ro cao. Khi làm việc dưới nước, bạn sẽ không biết điều gì sẽ xảy ra. Có thể bạn an toàn vớt xác nhưng cũng không biết chắc một giây sau mình còn sống hay không. Hơn nữa, môi trường làm công việc này là ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, thường được đánh đồng với việc làm xui xẻo, đen đủi, thậm chí ngành nghề này thường không được tôn trọng.
Đa số những người làm nghề này đều là những người nghèo. Một khi đã làm việc này thì sẽ khó làm việc khác. Bởi lẽ chẳng ai thuê một người đã từng làm nghề vớt xác. Khi theo nghề này thì xác định sẽ sống với nghiệp ấy cả đời.
Điều kiện để trở thành người vớt xác và những điều cấm kỵ
Do đặc thù của nghề nghiệp này mà đa số những người vớt xác đều là đàn ông, và không phải ai cũng có thể làm được. Nghề vớt xác đòi hỏi người vớt phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể và phải trải qua một vài khóa huấn luyện đặc biệt.
Ví dụ, một người vớt xác phải biết về những thứ liên quan đến tử vi, ngũ hành, chỉ có như thế mới đủ cứng rắn và không bị nỗi sợ hãi tâm linh lấn át khi làm việc với thi thể người chết. Người vớt xác chỉ có thể nhận thêm một người học việc hoặc tuyệt đối không nhận thêm ai.
Sau khi vớt xác lên bờ, nếu gia đình nạn nhân không thể nhận xác ngay, để tránh trường hợp xác phân hủy nhanh, người vớt xác phải tạm thời cất vào một thùng xác. Bể xác thường được xây ở nơi râm mát, tránh ánh nắng.
Ngoài những điều kiện trên, những người vớt xác trên sông Hoàng Hà còn có nhiều điều cấm kỵ khác như: Không được xuống thuyền vớt xác trong cơn giông, sau 3 lần vớt xác không thành thì không được cố, mỗi lần trước khi xuống thuyền vớt xác cần phải bái vua Hoàng Hà và mang một con gà trống lên thuyền để cúng tế Hà Bá, cúng tế xong thì vặn cổ gà rồi ném xuống sông làm “vật tế".
Người vớt xác không nên nhận tiền do gia đình người chết đưa, nếu không sẽ xui xẻo trong 3 năm. Thay vì đưa tiền, gia đình người chết nên mời người vớt xác ăn chay tại nhà, trước khi về phải buộc một dải đỏ rộng ba tấc, dài một tấc vào ngón tay giữa của người vớt xác. Tất cả những thủ tục này đều nhằm mục đích xua đuổi tà ma, cũng là quy tắc cổ xưa ở sông Hoàng Hà.
Người vớt xác cũng có nguyên tắc trục vớt riêng. Sau khi xác chết được vớt lên cần được phủ một tấm vải bố trắng, sau đó dùng một đoạn dây gai có trộn lông chó đen buộc vào thắt lưng của tử thi, rồi treo xác lên vách đã râm mát. Khi người nhà đến nhận thì đưa xác vào bờ.
Tất nhiên, không phải xác nào người vớt xác cũng vớt, nếu gặp một xác chết nổi trong tư thế đứng thẳng thì nên bỏ đi và không nên cố gắng vớt. Bởi lẽ, theo quan niệm của nghề vớt xác tin rằng, họ đi tìm người chết chứ không phải tìm ma, những tử thi nổi với tư thế thẳng đứng dưới nước này không phải là người mà là ma quỷ.
Một số giải thích của người xưa cho rằng, những người này mang ân oán quá sâu, không muốn rời đi. Nếu người vớt xác vớt phải tử thi này, sẽ tự chuốc lấy oán hận, mang lại vận rủi cho mình, thậm chí có thể mất mạng.
Với sự tiến bộ của khoa học, những truyền thuyết hay những mê tín đã được khoa học hiện đại chứng minh là không đáng để tin tưởng. Cùng với sự tiến bộ của xã hội, nghề vớt xác truyền thống trên sông Hoàng Hà đang dần bước ra khỏi giai đoạn lịch sử. Hầu hết những người làm nghề này đều đã là những người cao tuổi.
Người vớt xác cũng cần được tôn trọng
Lão Ngụy, thế hệ đầu của nghề vớt xác trên sông Hoàng Hà.Cho đến ngày nay, không ai biết người vớt xác đầu tiên là ai, nhưng Lão Ngụy là người được biết đến nhiều nhất khi họ phát hiện ông là người vớt xác trên sông Hoàng Hà.
Lão Ngụy là người Hà Khẩu, tỉnh Lan Châu, ông bắt đầu kiếm sống bằng nghề vớt xác từ năm 16 tuổi. Sau một thời gian, người ta hay gọi ông là “Quỷ Hiệp Hoàng Hà”.
Lão Ngụy lớn lên bên dòng sông Hoàng Hà. Từ nhỏ, Lão Ngụy thường xuyên nhìn thấy xác chết từ thượng nguồn đổ xuống, lúc đó ông không hiểu khái niệm sinh tử là gì, cũng chẳng có cảm giác kinh hãi, thậm chí còn thi thố bơi với xác chết trên sông.
Nói đến đây, nhiều người sợ rằng đó lại là cảnh tượng siêu nhiên gì đang xảy ra. Và đương nhiên là không phải, xác chết không biết bơi, nó chỉ trôi về phía trước dưới tác động của nước và Lão Ngụy, một đứa trẻ không biết gì sẽ bơi đuổi theo.
Chính vì điều này mà Lão Ngụy bị cha ông đánh đập, nhưng lúc đó ông không hiểu vấn đề. Mãi đến sau này, khi ông trưởng thành thì mới biết rằng đó là một hành động vô cùng tồi tệ. Lão Ngụy nói rằng ông muốn trở thành một người vớt xác để bù đắp cho sự thô lỗ của mình trước đây.
Lão Ngụy bắt đầu vớt xác trên sông Hoàng Hà từ năm 1963. Ông nhớ rất rõ, khi đó giao thông chưa phát triển, đường đến sông Hoàng Hà còn khó khăn, khi người nhà đến nhận xác thân nhân thì thi thể đã bị phân hủy.
Nói về nghề nghiệp của mình, Lão Ngụy từng chia sẻ, so với những thi thể còn nguyên vẹn thì ông luôn bị ám ảnh bởi những thi thể không còn nguyên vẹn. Lão Ngụy cho biết, lần đầu gặp phải những tình huống này, ông sợ quá nên ném lại xuống sông. Không phải vì ông sợ vì sự ghê rợn mà là sợ người ta cho rằng ông là hung thủ giết người.
Người thân của Lão Ngụy đã khuyên ông rằng, những lúc gặp tình huống này, ông nên báo cảnh sát, ông không làm gì sai nên không phải sợ. Hơn nữa, mọi công dân đều có nghĩa vụ hỗ trợ cảnh sát để giải quyết vụ án, và ông nên làm như thế để cho lòng thanh thản. Lão Ngụy nghe theo và sau khi trục vớt xác chết giao cho cảnh sát, ông dần tìm ra ý nghĩa về nghề nghiệp mà mình đang làm.
Cuối năm 2000, một công trình thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn, ngăn rác trôi từ thượng nguồn xuống và đương nhiên xác chết cũng bị ngăn lại, Lão Ngụy dần mất “môi trường” vớt xác, ông bắt đầu nghỉ hưu và con cháu của ông đã tiếp quản nghề này.
Nói về nghề nghiệp của mình, Lão Ngụy luôn tự hào, ông nói rằng ông đã giúp xác chết ấy tìm được đường về với gia đình. Đối với những xác chết được chặn lại ở nhà máy thủy điện, sẽ có những người vớt xác khác nhưng họ không giống như Lão Ngụy, và đa phần họ coi việc vớt xác là một công việc để kiếm tiền.
Ngày nay, nghề vớt xác ở sông Hoàng Hà được “nâng cấp” thành đội cứu hộ trục vớt. Họ Ngụy xưa nay vẫn là gia đình tiếp quản nghề này nổi tiếng nhất địa phương. Ngoài ra, nghề này dần được chính quyền hỗ trợ, dù là một ngành nghề khiến ai cũng sợ nhưng trên thực tế đúng là không thể thiếu trong cuộc sống.
Trong tương lai, nhiều người hy vọng ngành nghề này được đánh giá đúng vai trò và được tôn trọng hơn, bởi người vớt xác là người duy nhất tìm lại thi thể người chết, giúp người chết tìm về với người nhà.