Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nghệ sĩ Tiến Đạt phim 'Chạy án' kể chuyện thời bơm gas bật lửa kiếm sống

NSND Tiến Đạt kể, để kiếm sống, có lúc bà bán bánh mì pate, ông bơm bật lửa gas; sau đó cả hai chuyển sang làm bánh đậu, bánh khảo.

Trong tiệm may của gia đình ở phố Quang Trung (Hà Nội), nghệ sĩ Tiến Đạt chăm chú xếp lại từng thước vải, chỉnh từng cái áo sao cho ngay ngắn. Khoảng hơn 20 năm qua, ngoài nghệ thuật, tiệm may đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống nghệ sĩ. Nơi đây gợi nhớ nhiều kỷ niệm về những năm tháng từ khó khăn đến sung túc của gia đình ông.

Nghệ sĩ bắt đầu đến với nghề may từ năm 1991, khi 38 tuổi. Cha ông là nghệ nhân Nguyễn Tiến Thành - chuyên may complet cho chính khách những thập niên thế kỷ 20. Từ bé, Tiến Đạt được cha kỳ vọng nối nghiệp gia đình nhưng ông lại theo đuổi theo đam mê nghệ thuật. Thấy con vất vả, nghệ nhân Tiến Thành khuyên học thêm nghề may để phòng trường hợp "thánh không cho ăn lộc nữa, giữa đường đứt gánh thì lấy cái mà sống".

Nghệ sĩ Tiến Đạt trong tiệm may của gia đình. (Ảnh: Giang Huy)

Thừa hưởng chút năng khiếu của cha, Tiến Đạt nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật may. Nghệ sĩ nói nghề may vừa có tính kỹ thuật tỉ mỉ, khô cứng của kinh doanh nhưng cũng xen cả chút bay bổng, sáng tạo của nghệ thuật. Qua những lần gặp gỡ, trò chuyện với khách, ông hiểu thêm về tính cách, hoàn cảnh của mỗi người, lấy tư liệu cho các vai diễn.

Nghề diễn cũng trợ giúp cho ông nhiều trong việc kinh doanh. Nhiều khách hàng đến tiệm không phải vì quần áo mà ngưỡng mộ vai diễn của ông. "Họ cầm đến tiệm một mảnh vải như cái cớ để được gặp, trò chuyện, chụp ảnh cùng khiến tôi thấy tự hào nghề nghiệp", ông nói.

Sau này, nghệ sĩ tách ra mở cửa hàng riêng. Thời đầu, ông hay nổi nóng với khách, những lúc như thế vợ lại khuyên giải. Dần dần ông tiết chế, khéo léo hơn trong ứng xử với khách hàng. Khách đông, nhờ vậy, cuộc sống vợ chồng ông ổn định hơn.

Trước đó, kinh tế khó khăn, nghệ sĩ và bà xã Hồng Loan phải làm nhiều nghề kiếm sống. Cả hai nên duyên vợ chồng năm 1978, sau thời gian dài yêu nhau. Họ là bạn cùng lớp khoa Kịch nói, Trường Sân khấu Điện ảnh khóa 1968 - 1971. Sau khi kết hôn, vợ chồng nghệ sĩ mỗi người một nơi. Ông công tác tại Đoàn kịch Quảng Ninh, bà chuyển sang Đoàn kịch nói Trung ương (Hà Nội). Tiến Đạt biết tin vợ mang bầu qua thư. Nhìn nét bút của vợ, ông xốn xang mấy ngày. Vốn thích con gái, ông dặn vợ đặt tên con là Nguyễn Thị Hồng Giang.

Ngày vợ sinh, nghệ sĩ nhận được điện tín với nội dung: "Con trai, 2,8 kg". Ông ngẩn người vì không biết đặt tên gì. Sau đó, ông nghĩ con anh cả tên Tuấn Tú, thì con mình là Tuấn Minh. Nghệ sĩ tại đoàn kịch thường có chế độ thanh sắc, mỗi quý được sáu đến tám hộp sữa, gần hai kg thịt, vợ chồng dồn hết để chăm con.

Nghệ sĩ Tiến Đạt (trái) bên vợ (áo đen) và gia đình con trai. (Ảnh: Tuấn Minh)

Năm 1979, Tiến Đạt xin chuyển công tác từ Quảng Ninh về Hà Nội để gần vợ con. Đồng lương nghệ sĩ ít ỏi, vợ chồng ông phải làm thêm nhiều nghề để sinh sống. Có lúc bà bán bánh mì pate, ông bơm bật lửa gas. Sau đó, cả hai chuyển sang làm bánh đậu, bánh khảo. Tranh thủ lúc không đi diễn, bà làm bánh, ông đảm nhận giao hàng.

Ông cười nhớ lại: "Con trai khi đó năm tuổi, hỏi 'Lớn lên con làm gì?', Minh nói lớn lên làm bánh đậu, bánh khảo". Sau này, gia đình mở cửa hàng buôn bán giày dép. Mỗi lần đi diễn trong TP HCM, ông lại mang về vài bao tải để vợ có hàng bán.

Vợ chồng ông ban đầu sống trong căn gác xép ọp ẹp của ngôi nhà cổ. Trời nắng thì nóng, trời mưa gián bay đầy nhà, nước dột khắp nơi, ông bà phải lấy tấm nilon che lên trên màn để ngủ. Ông nói: "Nghĩ lại bây giờ vẫn thấy khổ khủng khiếp. Nhưng trong cái khổ thì tình thương lớn lắm, nhờ đó mà chúng tôi vượt qua hết".

Khi kinh tế gia đình ổn định, nghệ sĩ chuyên tâm cống hiến nghệ thuật. Ở mảng truyền hình, ông ghi dấu ấn với loạt vai phản diện trong Chạy án, Xin thề anh nói thật, Mắc cạn, Đứng trước một công trình, Cô gái nhà người ta... Ở mảng sân khấu của Nhà hát Kịch Hà Nội, ông hóa thân đa dạng, từ hài kịch đến chính kịch như nhà tư sản trong Sông Hồng reo, Ba Thành vở Ăn mày dĩ vãng, Thúc Đại trong vở Cát bụi, Trạng Lợn trong Thầy khóa làng tôi, Phán Tâm vở Những người con Hà Nội, ông Quang trong Những mặt người thấp thoáng... Năm 2016, ông được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Ở tuổi xấp xỉ 70, nghệ sĩ Tiến Đạt cảm thấy hài lòng với những gì đang có. Gia đình con trai hiện sinh sống và làm việc tại Cuba, ông bà tự chăm sóc nhau, tìm niềm vui từ những điều giản dị. Mỗi ngày ông đạp xe rèn luyện sức khỏe, tham gia hội chơi âm thanh, sưu tầm đĩa CD, trong khi bà vui cùng nhóm tập dưỡng sinh.

Đến giờ cơm, cả hai luôn sum vầy bên nhau. Nghệ sĩ nổi tiếng sành ăn, có tài bếp núc nên thường nấu nướng thay vợ. Ông nói: "Bây giờ già rồi, hiểu nhau quá rồi nên chỉ cần bà ấy vui, khỏe thì tôi mừng và ngược lại".

Nguồn: vnexpress

Tin mới