Giải quyết cho nghệ sĩ muốn nghỉ hưu sớm
Trong báo cáo số 136/BC-BVHTTDL về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đề cập một số tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách và giải quyết việc làm cho người lao động thuộc lĩnh vực nghệ thuật sau thời kỳ biểu diễn đỉnh cao.
Báo cáo của Bộ VHTTDL đề cập trường hợp những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn khi hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu gặp khó khăn trong việc chuyển đổi vị trí việc làm, từ diễn viên sang vị trí việc làm công chức, viên chức quản lý, hành chính...
Nguyên nhân là họ không đáp ứng tiêu chuẩn thi, xét tuyển công chức, viên chức bởi đa số diễn viên chỉ có bằng trung cấp nghề.
Nhiều hạn chế tồn tại trong cơ chế, chính sách và giải quyết việc làm cho người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Trên thực tế diễn viên hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thường mong muốn giải quyết chế độ để được nghỉ hưu sớm.
Sau 6 lần tăng lương cơ sở kể từ 2015, mức tiền bồi dưỡng cụ thể cho nghệ sĩ khi tập luyện, biểu diễn vẫn giữ nguyên, không theo kịp so với nhu cầu của cuộc sống.
Vì vậy, Bộ VHTTDL đề xuất việc xây dựng chính sách đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng, với điều kiện đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.
Do đặc thù lao động thường xuyên dưới nước, nghệ sĩ múa rối phải có bí quyết để giữ nhiệt.
Thời gian tới, Bộ VHTTDL cũng rà soát và hoàn thiện nghị định quy định một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Bộ VHTTDL tập trung vào một số quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ bồi dưỡng tập luyện, biểu diễn.
Tiền bồi dưỡng quá thấp
Nghệ sĩ múa Thanh Tú - Phó chủ tịch Hội nghệ sĩ múa Hà Nội - cho rằng thông tin Bộ VHTTDL đề xuất xây dựng chính sách xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng đối với nhóm nghệ sĩ thuộc ngành nghề biểu diễn nặng nhọc, nguy hiểm là một giải pháp hợp lý.
Tuy nhiên hầu hết nghệ sĩ biểu diễn rất yêu nghề, muốn gắn bó lâu dài với nghề. Khi sức khỏe không cho phép thực hiện những động tác biểu diễn khó, nguy hiểm, một số người có thể chuyển sang công tác giảng dạy, hoặc làm diễn viên phụ.
Điều khiến nhiều nghệ sĩ trăn trở là chế độ bồi dưỡng. Chế độ bồi dưỡng luyện tập thấp nhất hiện nay là 35.000 đồng/buổi tập và mức cao nhất là 80.000 đồng/buổi tập.
Chế độ bồi dưỡng biểu diễn thấp nhất là 80.000 đồng/buổi và cao nhất là 200.000 đồng/buổi. Nghệ sĩ Thanh Tú khẳng định đây là mức bồi dưỡng quá thấp.
Nghệ sĩ múa trải qua thời gian đào tạo dài, nhưng tuổi nghề lại ngắn.
“Tôi được đào tạo 11 năm, nếu không làm diễn viên múa có thể tham gia khâu dàn dựng. Tuy nhiên mức bồi dưỡng không phù hợp với đặc thù công việc của diễn viên. Cụ thể với nghệ thuật múa, tuổi nghề của diễn viên nữ không dài, sức khỏe lại càng yếu đi sau khi sinh nở trong khi thời gian phục hồi rất lâu”, nghệ sĩ Thanh Tú bày tỏ.
Đôi lúc điều kiện luyện tập, biểu diễn rất khắc nghiệt, mức bồi dưỡng 80.000 đồng/buổi tập chỉ đủ cho nghệ sĩ uống hai cốc nước, không đảm bảo sức khỏe.
Biên đạo múa Tuyết Minh - Phó chủ tịch thường trực Hội nghệ sĩ múa Việt Nam - cho rằng đề xuất của Bộ VHTTDL đúng với thực trạng một số ngành nghề nặng nhọc, mất nhiều thời gian đào tạo như xiếc, múa ballet, rối nước… Việc xác định ngành nghề độc hại, nguy hiểm cũng rất sát với thực tế.
Tuy nhiên, biên đạo Tuyết Minh khẳng định cơ chế nghỉ hưu sớm cần được đánh giá trên nhiều cơ sở, cần những chính sách tích cực hơn để quan tâm tới nghệ sĩ thuộc ngành nghề đặc thù.
"Đề xuất mới của Bộ VHTTDL chắc chắn sẽ được nhiều nghệ sĩ ủng hộ bởi có tính cấp thiết. Để nghệ sĩ nghỉ hưu sớm không bị thiệt thòi, rất mong Bộ VHTTDL có thêm chính sách hỗ trợ họ tiếp tục cống hiến theo nguyện vọng, ví dụ như đi học cao hơn, tạo điều kiện đi nghiên cứu", nghệ sĩ Tuyết Minh đề xuất.
Nghệ sĩ khi không đảm bảo sức khỏe đáp ứng đòi hỏi biểu diễn cũng có thể luân chuyển về trung tâm văn hóa hỗ trợ thêm về chuyên môn.
Khi sức khỏe không cho phép thực hiện những động tác biểu diễn khó, một số người có thể chuyển sang giảng dạy, hoặc làm diễn viên phụ.
Theo Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam NSND Tống Toàn Thắng, liên đoàn có bước hồi phục khá ngoạn mục sau đại dịch COVID-19. Con số tăng trưởng trong năm 2023 là nỗ lực vượt khó của nghệ sĩ xiếc.
Tuy nhiên, dù vượt định mức nhưng tiền bồi dưỡng cho diễn viên vẫn phải theo nghị định, cao nhất chỉ có 200.000 đồng.