Bộ sưu tập rồng độc bản được nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (ở làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) chế tác để chào đón xuân Giáp Thìn 2024.
Để tạo nên sản phẩm rồng độc bản, nghệ nhân Phát phải thực hiện rất nhiều công đoạn khác nhau. Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công.
Nghệ nhân chia sẻ, anh được nhiều người biết và tìm đến vì thường chế tác các sản phẩm điêu khắc thủ công mang hình dáng loài vật trong số 12 con giáp. Nếu năm 2023 tác phẩm là những chú mèo độc bản đa dạng về thể loại, màu sắc, thì năm nay anh thực hiện bộ sưu tập rồng. "Hình tượng rồng được tôi thể hiện xuyên suốt bộ sưu tập lần này là rồng thời nhà Lý. Tôi yêu thích hình tượng rồng thời nhà Lý vì nó mang lại hình ảnh rồng thuần Việt, đồng thời thể hiện được hết tính cách của người Việt Nam ta", nghệ nhân Phát nói.
Theo nghệ nhân, tất cả các tác phẩm rồng anh làm là độc bản nên chủ yếu được chế tác thủ công từ gỗ, sau đó được phủ sơn mài, mất rất nhiều thời gian. Đầu tiên anh phải lên ý tưởng rồi đục tượng bằng gỗ nguyên khối (mất khoảng 1 tuần gỗ mới đảm bảo độ khô), sau đó mới mang đi làm sơn mài. Đặc biệt, các sản phẩm phải làm sơn mài theo lối truyền thống, có khảm chất liệu và sơn nhiều lớp khác nhau.
Sau quá trình làm sơn là khảm chất liệu, khảm vỏ trứng, khảm vỏ trai hay lá đồng, đá rồi thực hiện quét từ 7 đến 10 lớp màu, tiếp đó đến công đoạn thếp vàng.
Cuối cùng, nghệ nhân sẽ mài nhẵn và đánh bóng sản phẩm, hoàn thiện công đoạn cho ra đời tác phẩm nghệ thuật.
Hiện, nghệ nhân Phát đã hoàn thành được một nửa bộ sưu tập (khoảng 500 sản phẩm), dự kiến sẽ hoàn thành 1.000 tác phẩm trước Tết Nguyên đán.
"Với bộ sưu tập này, mục đích đầu tiên là để quảng bá, giới thiệu, trưng bày. Sau khi cuộc trưng bày kết thúc, tôi vẫn có thể bán những sản phẩm, qua đó đến gần hơn với những người yêu thích, giúp tôi có thêm kinh phí để sáng tạo ra nhiều sản phẩm mang ý nghĩa hơn. Giá mỗi sản phẩm từ 5 đến 15 triệu đồng, tuỳ vào chất liệu, kích cỡ", nghệ nhân Phát chia sẻ.
Nổi bật trong bộ sưu tập của nghệ nhân Phát là bộ ghế hình con rồng với 5 móng vững chãi và mạnh mẽ, đuôi rồng như lá bồ đề, tư thế uốn lượn. Tác phẩm này có giá 2 tỷ đồng.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát mất gần 2 năm để hoàn thành sản phẩm sau khi có ý tưởng. Anh dùng khoảng 2.500 lá vàng, tương đương với 500g vàng 24k để đắp lên chiếc ghế “độc nhất vô nhị” này. “Chiếc ghế hình rồng cao 1,65m, dài 2m được thể hiện bằng chất liệu sơn mài trên gỗ lũa, mạ vàng 24k. Hình ảnh tiên được tôi sắp đặt rất nhiều trên khoảng không phía trên rồng thể hiện sự hoà hợp giữa rồng và tiên”, anh Phát cho hay.
Hiện tại, cùng với việc tiếp tục hoàn thành bộ sưu tập, anh Phát đã cho ra mắt và trưng bày các sản phẩm rồng để phục vụ khách tham quan đến hết ngày 22/2.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ở làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), là chủ nhân của nhiều công trình thiết kế sản phẩm du lịch của các tỉnh thành trên cả nước và đạt nhiều giải thưởng.
Năm 2017, anh được UBND TP Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”.
Anh cũng 2 lần đạt giải Nhất Thiết kế mẫu thủ công mỹ nghệ Hà Nội các năm 2014, 2019; giải Khuyến khích Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2019. Tác phẩm “Cổng di sản Thăng Long” của anh đạt giải “Thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022”, là một bộ sản phẩm quà tặng riêng của Hà Nội mang đầy nét vàng son di sản mảnh đất ngàn năm văn hiến.