(VTC News) – Ở Triều Tiên, ngoài những người nghèo như truyền thông thường đề cập, lớp người siêu giàu phất lên nhờ kinh doanh những mặt hàng đặc biệt.
Các doanh nhân Bắc Triều Tiên sở hữu mỏ, công ty xe buýt, nhà hàng, tích cực tham gia sản xuất quần áo, giày dép và sản phẩm thuốc lá. Tuy nhiên trong tương quan này nảy sinh câu hỏi: họ lấy tiền đâu ra để sử dụng cho những khoản đầu tư nghiêm túc đầu tiên?
Có nhiều cách giúp các doanh nhân Bắc Triều Tiên kiếm được "chục nghìn USD đầu tiên”. Có lẽ lợi nhuận nhất, mặc dù cũng mạo hiểm nhất là kinh doanh hàng cổ. Từ năm 1985 đến năm 2005, đồ cổ Bắc Triều Tiên với số lượng lớn tuồn ra thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cổ vật- món hàng hái ra tiền ở Triều Tiên |
Ngành kinh doanh các hiện vật cổ bắt đầu giữa thập niên 80, trong đó khách mua chủ yếu là người Nhật. Đến tay người mua cuối cùng là nhà sưu tập Nhật Bản, đồ cổ thường thông qua cả chuỗi dài các trung gian. Vai trò này thường thuộc về số người gốc Triều Tiên trở về từ Nhật Bản trong thập niên 60. Không giống như hầu hết các đồng bào của mình, những người này có hình dung nhất định về giá trị của cổ vật, ngoài ra họ cũng có một số vốn liếng cũng như liên hệ ở Nhật Bản.
Trong bối cảnh gia tăng tham nhũng và nới lỏng sự kiểm soát Nhà nước hồi những năm 80, đã bắt đầu những cuộc khai quật di tích đầu tiên trong khu vực Kaesong. Được quan tâm đặc biệt hồi đó là những hiện vật gốm sứ Koryo. Làm việc này rất mạo hiểm, bởi các nhà khảo cổ trái phép có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Nhưng bù lại, nếu gặp may, người tham gia khai quật đồ cổ sẽ thu lợi nhuận khổng lồ. Một món đồ gốm nào đó thời Koryo có thể bán ra trên thị trường thế giới với giá nhiều ngàn USD. Theo thước đo ở Bắc Triều Tiên những năm 1980, đó là khoản tiền cực lớn, giúp cả gia đình có thể sống thoải mái trong hàng chục năm.
Người Triều Tiên sử dụng điện thoại |
Đầu những năm 1990, khối lượng buôn bán cổ vật đã tăng gấp mấy lần. Đóng vai trò quyết định ở đây là những thay đổi trong xã hội Trung Quốc, cũng như việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Kể từ đó, đồ cổ Bắc Triều Tiên không chỉ xuất hiện ở Nhật Bản mà cả ở Hàn Quốc. Đường cung cấp hàng về cơ bản thông qua Trung Quốc.
Trong buôn bán cổ vật còn có vai trò không nhỏ của cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế ở chính Bắc Triều Tiên. Nạn đói buộc những người nông dân phớt lờ luật pháp. Sự mạo hiểm được đền đáp. Chiếc nồi nhỏ nào đó tìm thấy trong vùng lân cận Kaesong, trước đây là kinh đô dưới triều Koryo, có thể đổi lấy 50 hoặc thậm chí 100 USD.
Khoản tiền này, theo Tiếng nói nước Nga, cứu sống toàn gia khỏi nguy cơ chết đói. Mặt khác, cùng chiếc nồi này có thể bán tại cuộc đấu giá ở Seoul hay Tokyo với giá 10.000 hoặc thậm chí 20.000 USD.
Đồng thời, ngành công nghiệp làm đồ giả cũng xuất hiện, phát triển đáng rầm rộ cuối những năm 1990. Một phần hàng giả sản xuất tại Trung Quốc, nhưng phần lớn đồ giả cổ được làm ra ở Bắc Triều Tiên. Các nghệ nhân Bắc Triều Tiên đã học được cách chế ra các đồ gốm bắt chước nguyên mẫu gốm thời Koryo. Nhiều món hàng giả tinh vi đến mức hầu như không thể phân biệt với bản gốc.
Số lượng người giàu tăng nhanh ở Bắc Triều Tiên |
Trong một số trường hợp, những doanh nhân trung gian thậm chí còn tổ chức các cuộc khai quật giả. Khách hàng được dẫn đến ngọn núi nào đó trong vùng lân cận Kaesong, và trong sự chứng kiến của vị khách này, người ta “phát hiện” từ hố đất khai quật những hiện vật gốm sứ Koryo.
Cảnh tượng y như thật đó gây ấn tượng thuyết phục với người mua và xua tan mọi ngờ vực về tính xác thực của đồ vật. Trên thực tế, món đồ "gốm sứ Koryo" là của giả mà người ta đã bí mật chôn sẵn tại khu vực sẽ khai quật.
Tuy nhiên đến đầu những năm 2000 buôn bán cổ vật bắt đầu giảm sút bởi hầu như tất cả mọi thứ cổ vật có thể đào ở Bắc Triều Tiên đã bị săn lùng, khai quật và bán hết. Trong điều kiện hầu như không còn cổ vật thật đưa ra thị trường, cả ngành làm đồ giả cổ cũng đối mặt với cơn khủng hoảng. Đến năm 2005, buôn bán đồ cổ đã kém sôi động và cơn bùng nổ cổ vật đã kết thúc.