Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghề giáo: Vinh quang và sự rẻ rúng

(VTC News) -

Vị thế người thầy ngày nay không còn như xưa và sự tôn nghiêm của nghề giáo cũng phần nào mai một.

Cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam là người thầy được cả xã hội tôn vinh. Bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của người Việt, hình ảnh người thầy hiện lên với bao vẻ đẹp cao quý “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”, “Không thầy đố mày làm nên”… Thế nhưng, theo dòng thời gian, vị thế người thầy ngày nay không còn được như xưa và sự tôn nghiêm của nghề giáo cũng phần nào mai một.

Nghề giáo - bao giờ cho đến ngày xưa

Là một giáo viên hơn 15 năm công tác trong ngành giáo dục, tôi nhận thấy nghề giáo ngày nay không còn như xưa nếu không muốn nói là đang mai một. Tôi không lấy mốc ngày xưa là thời phong kiến mà chỉ điểm lại những năm tháng học sinh của mình - thập niên 80, 90 thế kỷ trước để có đôi điều chia sẻ.

Thời tiểu học, trong mắt tôi, thầy cô là những người giỏi giang, rất trách nhiệm và đầy uy lực vì hầu như ai cũng nghiêm khắc khiến học sinh rất sợ. Con cái có thể không nghe lời cha mẹ nhưng với thầy cô thì chẳng ai dám cãi lại nửa lời. Nhiều học sinh thấy thầy cô mình đi đằng này thì liền vòng lại đằng kia, không dám đối mặt.

Đến bậc THCS, khi khôn lớn hơn một chút, tôi cảm nhận được đa phần thầy cô đều nhiệt huyết, yêu nghề và được nhiều người tôn trọng. Trong làng xã, từ trẻ con đến ông già, bà lão, ai cũng kính trọng thầy cô, một lời chào hai lời thưa. Thầy cô đi đến đâu cũng được chào đón nồng nhiệt và mời ngồi ở những vị trí trang trọng.

Do điều kiện kinh tế thời đó còn khó khăn, học sinh không nhiều thời gian học tập, vừa đi học vừa đi làm, thậm chí nhiều bạn cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, có bạn phải đi bộ đến trường cả chục cây số. Vậy nên, số học sinh học yếu nhiều lắm nhưng đều được thầy cô dạy bảo tận tình.

Nhiều thầy cô một buổi dạy học còn một buổi phải lao động sản xuất không khác gì người nông dân một nắng hai sương trên cánh đồng. Thế là học sinh chúng tôi giúp đỡ thầy cô bằng những việc làm rất thiết thực như nhổ cỏ ớt, bẻ bắp, nhổ đậu, cuốc khoai… và cha mẹ đều vui lòng hưởng ứng.

Học sinh tặng hoa thầy cô giáo ngày 20/11. (Ảnh minh hoạ: V.N)

Một năm chúng tôi có hai ngày đến thăm thầy cô là ngày Nhà giáo Việt Nam và ngày mùng 3 Tết Nguyên đán. Ngày 20/11, có khi tập thể lớp chỉ tặng thầy cô bó hoa nhà trồng được, sang hơn một chút thì bộ ấm chén, khá hơn là mét vải may quần áo. Chúng tôi đi hết nhà các thầy cô, cười nói vui vẻ, lòng tràn ngập sung sướng như ngày hội.

Đến bậc THPT, tôi thấy một số thầy cô dạy môn Toán, Anh văn, Hóa học… cũng có mở lớp dạy thêm nhưng học sinh đi học rất ít, bởi cha mẹ làm gì có tiền mà đóng học phí. Đặc biệt, hiếm có chuyện thầy cô ép học sinh đi học thêm để thu tiền. Nhiều thầy cô sẵn sàng dạy miễn phí cho học sinh nghèo hiếu học. Sau này tôi chọn làm nghề giáo vì hình ảnh thầy cô ở các cấp học đều quá đẹp, được tôi xem như hình mẫu, thần tượng.

Và ngày nay, nghề giáo có phần rẻ rúng

Tôi không phải là người bi quan, yếm thế nhưng thực lòng mà nói, tôi thấy nghề giáo ngày nay có phần rẻ rúng. Tôi quan niệm, chỉ ra những tồn tại, mặt trái, góc khuất của nghề giáo là nhằm giúp chúng ta nhận ra những hạn chế, yếu kém để thay đổi ngày càng hoàn thiện hơn.

Thứ nhất, vụ gian lận thi cử năm 2018 được cho là nghiêm trọng nhất từ xưa đến nay, sau nhiều năm Bộ GD&ĐT tổ chức các kì thi và thi THPT quốc gia. Vụ việc liên quan đến hàng loạt bài thi của thí sinh được nâng điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Trong quá trình điều tra, 11 cán bộ ngành giáo dục bị bắt tạm giam. Có tới 347 bài thi bị can thiệp điểm, kể cả môn tự luận Ngữ văn.

Có thể nhận thấy, vụ bê bối thi cử này làm xấu xí hình ảnh nền giáo dục Việt Nam, khiến dư luận nghi ngờ còn bao nhiêu sự gian lận nữa chưa bị phanh phui. Thời điểm đó, TS Nguyễn Tùng Lâm (Hà Nội), nói rằng mất mát lớn nhất sau vụ tiêu cực thi cử gây rúng động này chính là sự mất lòng tin của thế hệ trẻ, của xã hội vào sự thiếu trung thực của những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, vào sự trong sạch của một môi trường cần sự mẫu mực.

Thứ hai, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 1/11/2020) quy định không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường – cũng là điều nên bàn.

Cụ thể, học sinh vi phạm sẽ chỉ bị xử lý kỷ luật bằng 3 hình thức: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác.

(Ảnh minh họa: H.C)

Như vậy, Bộ GD&ĐT đã bỏ hình thức xử lý phê bình trước lớp, trước trường, bỏ cảnh cáo ghi học bạ và đặc biệt học sinh trung học không còn bị buộc thôi học có thời hạn mà thay vào đó chỉ tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác. Tôi cho rằng, bạo lực học đường gia tăng, vị thế người thầy giảm sút so với trước đây một phần cũng do quy định này.

Thứ ba, hiện nay nhiều giáo viên bất chấp quy định, dạy thêm tràn lan, kể cả tình trạng thầy cô ép học sinh học thêm khiến hình ảnh người thầy bị méo mó. Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định rất rõ, không được dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Thế nhưng, tôi thấy nhiều giáo viên vẫn dạy thêm cho học sinh dù đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; dạy bậc tiểu học sau giờ học chính khóa – từ 17h30 đến 19h, cũng chỉ nhằm mục đích chính là thu tiền.

Cá biệt, nhiều giáo viên làm trái với nguyên tắc dạy thêm, học thêm, đó là cắt giảm nội dung trong chương trình chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; dạy thêm trước những nội dung trong chương trình chính khoá. Tệ hại hơn nữa là có trường hợp giáo viên tiết lộ đề kiểm tra khi dạy thêm nhằm thu hút học sinh đi học để lấy điểm cao. Một số vụ lộ đề kiểm tra đình đám cũng từ chuyện dạy thêm học thêm mà ra.

Thứ tư, nhìn chung đồng lương giáo viên hiện nay rất eo hẹp, không đủ sống, thầy cô phải làm nhiều việc để mưu sinh cũng ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh nhà giáo. Giáo viên mới ra trường, sau khi trừ hết các khoản bảo hiểm, đóng góp, tiền lương nhận được chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Giáo viên dạy học 15 năm, mỗi tháng nhận lương khoảng 7 triệu.

Sau giờ lên lớp, nhiều giáo viên phải dạy thêm, làm gia sư, chạy xe ôm, gia công hàng hóa… Tôi kết bạn với hàng ngàn giáo viên trên mạng xã hội Facebook và thấy rằng, trang Facebok cá nhân của nhiều thầy cô rất ít khi viết bài, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ. Thay vào đó, giáo viên đăng tải, chia sẻ tràn lan việc bán hàng online, rồi thỉnh thoảng có những hiềm khích, điều nặng tiếng nhẹ trong cạnh tranh buôn bán, ít nhiều cũng làm mất đi hình ảnh người thầy trong mắt học sinh, phụ huynh.

Với những gì đang diễn ra như tôi đã phân tích, thiết nghĩ, muốn lấy lại hình ảnh, vị trí đẹp, đáng quý của người thầy giáo hôm nay thì ngành giáo dục và bản thân giáo viên phải có những thay đổi mang tính đột phá.

Trước hết, ngành giáo dục hãy tìm cách cải thiện tiền lương cho giáo viên sao cho đảm bảo mức sống tối thiểu, bởi “có thực mới vực được đạo”. Tiếp đến, cần giao thêm quyền cho thầy cô trong việc giáo dục học sinh, miễn sao việc xử lí đảm bảo tính sư phạm, không vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống là được. Sau cùng, cho dù giáo viên giữ chức vụ lãnh đạo quản lí hay chỉ đơn thuần dạy học thì thầy cô cũng phải luôn rèn đức, luyện tài (giỏi nghề) mới mong giữ được vị thế nhà giáo.

Cao Nguyên (giáo viên)

Tin mới