Ngày thanh minh ở Trung Quốc thường rơi vào ngày 4 hoặc 5/4. Một trong những phong tục quan trọng vào ngày này sẽ là tưởng nhớ tổ tiên bằng cách dọn dẹp mộ phần, cũng như tỏ lòng thành kính với những người đã khuất.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, một số người không thể đích thân đến quét mộ người thân của mình. Khi đó, những người như Li Jie, 22 tuổi đến từ tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc, sẽ có mặt để giúp đỡ. Theo yêu cầu của khách hàng, cô sẽ lạy mộ, chơi những bản nhạc mà người đã khuất yêu thích hoặc đọc thư.
Một khách hàng nam sống ở nước ngoài nhờ Li quét mộ cha mẹ anh. Li đã mua hoa loa kèn, loài hoa yêu thích của người mẹ và nhãn hiệu rượu yêu thích của người cha mang xuống mộ.
Khách hàng nhắn với Li: “Mặc dù tôi chỉ có thể lạy mộ cha mẹ qua màn hình điện thoại, nhưng tôi thực sự cảm kích vì sự giúp đỡ của bạn để tôi có thể bày tỏ nỗi nhớ nhung dành cho những người thân yêu của mình”.
(Ảnh minh họa)
Sự lựa chọn nghề nghiệp của Li, hay những nghề liên quan đến cái chết hoặc đám tang, không được xã hội chấp nhận rộng rãi, đặc biệt là trong thế hệ cũ. Các bậc cha mẹ sẽ không coi đó là một công việc tử tế và có xu hướng liên kết công việc này với sự xui xẻo.
Tuy nhiên, những năm gần đây, ngày càng có nhiều người trẻ Trung Quốc dấn thân vào ngành tang lễ. Khi ngày thanh minh lần này đến gần, chủ đề “tại sao ngày càng có nhiều người trẻ tham gia ngành tang lễ” một lần nữa làm dấy lên các cuộc thảo luận trên mạng xã hội.
Một số ý kiến được đưa ra bao gồm việc môi trường làm việc và các mối quan hệ tại nơi làm việc của ngành này ít phức tạp và khắt khe hơn so với các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, ngành này đã tồn tại từ lâu và sẽ tồn tại lâu dài trong tương lai gần. Đây cũng là một ngành có nhu cầu lớn do thiếu người được đào tạo bài bản…
Nhu cầu đa dạng
Bất chấp nỗi sợ hãi về cái chết và những thành kiến, nhiều người trẻ Trung Quốc tham gia vào các nghề như tổ chức tang lễ và làm người mẫu quần áo tang lễ. Họ đang thúc đẩy sự đổi mới của ngành bằng những quan điểm mới và tư duy độc đáo, đồng thời mang đến niềm an ủi cho những khách hàng đang tiếc thương người thân của họ.
Một số chọn mở cửa hàng trực tuyến để bán đồ dùng tang lễ như bình đựng tro cốt, hương điện tử và nến. Khác với các sản phẩm truyền thống hiện có trên thị trường, đồ tang lễ của họ có xu hướng hấp dẫn hơn đối với thế hệ trẻ, những người có thể bày tỏ tình cảm của mình với người đã khuất một cách tốt hơn.
Một số người phát trực tiếp (live stream) bán quần áo tang lễ. Không giống như những trang phục đơn điệu và buồn tẻ truyền thống, Wei Li - một người bán - tự tay lựa chọn quần áo tang lễ từ rất nhiều phong cách khác nhau như Hanfu (một kiểu trang phục truyền thống của người Hán), Tangzhuang (một loại áo khoác lụa truyền thống) và Qipao (xường xám).
Một người làm công việc thử quần áo tang lễ.
"Mọi người đều chuẩn bị một bộ quần áo đẹp cho những dịp quan trọng như sinh nhật, đám cưới. Tương tự, cuối đời cũng cần một bộ trang phục phù hợp, đó là một hình thức tôn trọng sự sống", Wei nói. Cô cho rằng việc cho phép mọi người nói lời tạm biệt với thế giới với nhiều lựa chọn hơn về trang phục là một điều rất có ý nghĩa.
Những người trẻ này đang dần mang đến những thay đổi cho ngành tang lễ cổ xưa và truyền thống. Một số công ty còn sử dụng công nghệ kỹ thuật số để giới thiệu các khái niệm như dịch vụ tưởng niệm trực tuyến và các nền tảng kỷ niệm, mang lại nhiều khả năng hơn cho ngành.
Baiduren, một công ty dịch vụ tang lễ ở Thượng Hải, phía Đông Trung Quốc, có gần 90 nhân viên, ở độ tuổi từ 23 đến 45, và 90% trong số họ có bằng cử nhân.
Công ty đã phát triển một ứng dụng dịch vụ tang lễ để xuất bản cáo phó trực tuyến và lên lịch tổ chức các buổi lễ tưởng niệm hoặc nhắc nhở về tang lễ và giỗ.
"Chúng tôi cố gắng đổi mới trong ngành công nghiệp truyền thống và chúng tôi cũng đã ra mắt một ứng dụng viết thư có tên là 'Tưởng nhớ hữu hình'. Chúng tôi hy vọng có thể sử dụng nền tảng này, hoạt động như một kho lưu trữ thông điệp vĩnh viễn, để lưu giữ cảm xúc và ký ức của mọi người về những người thân yêu đã mất của họ”, Jiaying - phụ trách báo chí tại Baiduren nói với Global Times.
Định hình lại cách tưởng nhớ quá khứ
Về lý do khiến nhân viên bước vào ngành tang lễ, Jiaying tiết lộ, hơn một nửa trong số họ đã từng trải qua những cuộc chia tay đầy tiếc nuối với những người thân đã mất. Jiaying nói: “Bất kể người quá cố đã qua đời vì tuổi già hay đột ngột khi còn trẻ, chúng tôi hy vọng có thể giúp khách hàng mang đến cho người thân yêu của họ một cái kết hoàn hảo hơn, một lời tạm biệt hoàn hảo hơn”.
Bên cạnh việc giúp gia đình dựng nhà tang lễ tại nhà, xác nhận danh sách khách mời và tổ chức lễ tưởng niệm, công ty còn tổ chức lễ “đặt quan tài”. Tại tang lễ, người nhà sẽ được hướng dẫn đặt những bông hoa yêu thích của người quá cố vào quan tài hoặc đặt những vật dụng khác mang ký ức tùy theo phong tục địa phương.
“Ví dụ ở Thượng Hải, theo phong tục người thân sẽ đặt giấy tiền trong quan tài như một biểu tượng may mắn sang thế giới bên kia cho người đã khuất. Chúng tôi sẽ hướng dẫn người nhà gấp giấy cho vào quan tài.
Bằng cách tham gia vào hành động này, họ đang đồng hành cùng người đã khuất trong cuộc hành trình cuối cùng, để người đã khuất không cảm thấy cô đơn. Và các thành viên trong gia đình sẽ cảm nhận được cảm giác được tham gia trong quá trình đó, cảm thấy an ủi khi họ đã làm điều gì đó cụ thể cho người thân yêu của mình lần cuối cùng”, Jiaying nói.
Công ty cũng thành lập một số quán cà phê chủ đề ở Thượng Hải, nơi mọi người có thể tụ tập để nói về tâm hồn, triết lý, đức tin và cái chết, hy vọng trải nghiệm này sẽ khiến mọi người trân trọng cuộc sống hơn.
Jiaying cho biết: “Chúng tôi không sợ bị bắt chước hay cạnh tranh. Chúng tôi thực sự muốn thấy và hy vọng thế hệ trẻ có thể dần dần mang lại những thay đổi tích cực hơn cho ngành công nghiệp lâu đời này”.