Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghề bán linh hồn, cơ thể cho thần tượng ảo

Phía sau bộ mặt hoàn hảo của thần tượng ảo - những cỗ máy hái ra tiền - là lực lượng người lao động đang phẫn nộ vì làm việc quá sức với mức thù lao rẻ mạt.

Vtuber Vox Akuma hay ngôi sao nhạc pop Trung Quốc Luo Tianyi đều là thần tượng ảo. Các công ty truyền thông đặt cược rằng những influencer kỹ thuật số này đại diện cho tương lai người nổi tiếng, vẻ ngoài cùng ngôn ngữ của họ được các tập đoàn xây dựng và kiểm soát cẩn thận.

Nhiều người tin rằng thần tượng ảo sẽ không gây ra các sự cố về phát ngôn hay scandal như các ngôi sao là người thật. Về mặt lý thuyết, các ngôi sao ảo sẽ không già đi, không nổi giận hay phát ngôn vạ miệng, không ngoại tình hoặc bị bắt vì trốn thuế.

Nhưng về cốt lõi, thần tượng ảo thường dựa vào một người duy nhất: Một nam hoặc nữ diễn viên là người thật, mặc bộ đồ đặc biệt và chụp lại các chuyển động của họ, cho thần tượng ảo mượn giọng nói, biểu cảm và phong cách cá nhân.

Khi Akuma cười, đó là giọng cười của diễn viên đóng vai anh ấy. Khi Luo vẫy tay, tức là một người thật đóng vai cô đang thực hiện động tác đó và được camera ghi lại.

Và khi các thần tượng ảo phàn nàn về tình trạng kiệt sức, làm việc quá mức hay lương quá thấp, chính là người thật đang nói về điều kiện lao động của họ.

Phía sau cỗ máy hái ra tiền

Trong thập kỷ qua, các công ty giải trí ở Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng đầu tư phát triển virtual talent: các ngôi sao nhạc pop ảo xuất hiện trên sân khấu thông qua hình ảnh 3 chiều, nhân vật hoạt hình tự livestream game và nói chuyện với người hâm mộ, những influencer cho thương hiệu được hỗ trợ bởi đội ngũ kỹ thuật viên.

Ở Trung Quốc, nơi mọi thứ được kiểm soát gắt gao, những influencer ảo trở thành lựa chọn an toàn.

Năm 2021, giá trị kinh doanh của thần tượng ảo chỉ tính riêng tại Trung Quốc là 16 tỷ USD, theo nghiên cứu từ iiMedia.

Nhưng phía sau bộ mặt hoàn hảo của thần tượng ảo - những cỗ máy hái ra tiền - là lực lượng người lao động đang phẫn nộ vì làm việc quá sức, với mức thù lao rẻ mạt.

Vox Akuma là một thần tượng ảo từng lên tiếng vì làm việc quá sức.

Yijun Luo - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Baptist Hong Kong, người nghiên cứu ngành công nghiệp thần tượng ảo của Trung Quốc - cho biết: "Điểm mấu chốt của VTubers là 'con người bên trong'. Người nổi tiếng ảo trông giống như những sản phẩm nhân tạo, nhưng họ phụ thuộc vào sức hút và tính cách của một con người thực tế như bất kỳ người nổi tiếng hoặc người có ảnh hưởng ngoài đời thực nào".

Một số người hâm mộ sẽ gắn bó với những phẩm chất độc đáo của người đứng sau thần tượng ảo yêu thích của họ, đến mức không tin có người thật đóng vai. Có rất nhiều fan trực tuyến thắc mắc rằng nếu các diễn viên là linh hồn của những siêu sao ảo này, tại sao họ không được trả nhiều như nhiều ngôi sao đời thực khác?

Thực tế, kinh doanh thần tượng ảo là ngành hái ra tiền.

Năm 2021, Yuehua Entertainment, công ty tạo ra nhóm nhạc nữ nhạc ảo A-Soul nổi tiếng nhất Trung Quốc, với sự hợp tác của ByteDance, đã kiếm được 5,6 triệu USD.

Các ngôi sao ảo đã có quan hệ đối tác với các thương hiệu đa quốc gia như KFC, L'Oréal và cả gã khổng lồ trong nước như nền tảng thể dục Keep.

Ở Trung Quốc, nơi tất cả lĩnh vực giải trí và truyền thông đều phải chịu sự giám sát và kiểm duyệt, các nhà bán lẻ và công ty giải trí nhận thấy ý tưởng hợp tác với những nhân vật có ảnh hưởng ảo, có thể kiểm soát thực sự hấp dẫn.

Các thương hiệu quốc tế như McDonald's và Watson thậm chí còn phát triển các influencer ảo của riêng họ.

Pablo Mauron, giám đốc điều hành của Digital Luxury Group ở Thượng Hải, cho biết: "Điều này cho phép các thương hiệu kiểm soát tốt hơn nhịp độ tiếp thị của họ, ngoại hình của nhân vật ảo, dễ dàng tích hợp vào các sáng kiến quảng bá".

Diễn viên đứng sau ca sĩ Carol của nhóm nhạc ảo A-Soul nghỉ việc vì bị quấy rối, lạm dụng nơi làm việc.

Khi thần tượng ảo càng thu hút sự chú ý của fan và các nhãn hàng, giờ làm việc của các diễn viên trong bộ đồ chụp chuyển động (được gọi là "zhongzhiren" trong tiếng Trung và "naka no hito" trong tiếng Nhật - có nghĩa "người trung gian") cũng tăng lên.

Mengyu Peng, giám đốc thương hiệu của công ty dịch vụ ảnh đại diện ảo SuperACG, cho biết: "Diễn viên chụp chuyển động làm việc bao nhiêu giờ không phải do họ tự quyết định. Nó phụ thuộc vào các nhân viên hoạt động đằng sau họ".

Peng nói với Rest of World rằng hầu hết diễn viên ghi lại chuyển động ​​sẽ tích cực cung cấp chuyển động cho thần tượng ảo tương ứng của họ 4-5 giờ mỗi ngày, 22 ngày mỗi tháng.

Không phải fan nào cũng biết thực tế phía sau đó, họ chỉ kêu gọi thần tượng hoạt động nhiều hơn để thỏa mãn niềm vui.

Anthony Fung, giáo sư truyền thông và truyền thông tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho biết: "Điều kiện làm việc của những người trung gian là không thể nhìn thấy được".

Thần tượng ảo nghỉ hưu vì người thật kiệt sức

Nhưng những thần tượng ảo cuối cùng vẫn phụ thuộc vào các màn trình diễn của con người thực. Khi người thực phẫn nộ vì bị bóc lột sức lao động, thần tượng ảo khó tồn tại tiếp.

Vox Akuma, thần tượng ảo trên YouTube (VTuber), vuốt nhẹ lọn tóc đỏ ra sau tai, dán chặt đôi mắt long lanh vào camera và trò chuyện với người theo dõi, như cách anh vẫn làm gần như mỗi ngày trong nhiều tháng.

Trong buổi livestream có hơn 350.000 lượt xem, Akuma đã lên tiếng về chuyện người hâm mộ quá cuồng nhiệt khiến anh phải làm việc đến kiệt sức, không được nghỉ một ngày. Câu chuyện nhanh chóng gây sốt dư luận.

Thần tượng ảo được các nhãn hàng ở Trung Quốc ưa chuộng vì không già đi, không phát ngôn vạ miệng, không ngoại tình hay bị bắt vì trốn thuế.

Uruha Rushia, một ngôi sao YouTube ảo tại Hololive, một trong những công ty tài năng ảo lớn nhất Nhật Bản, đã “nghỉ hưu” vào tháng 2 vì bị cáo buộc làm rò rỉ thông tin kinh doanh cho 1,6 triệu người đăng ký YouTube của cô trong một buổi phát trực tiếp.

Usada Pekora, một Hololive VTuber khác, đã thông báo vào tháng 5 rằng sẽ nghỉ ngơi để chữa trị tổn thương cổ họng sau 3 năm phát trực tiếp gần như liên tục.

Vụ việc nổi tiếng nhất xảy ra cùng tháng, với sự ra đi của một thành viên cốt lõi trong nhóm nhạc pop ảo nổi tiếng nhất Trung Quốc, A-Soul. Nhóm này đã thu hút hơn 2 triệu người theo dõi trên Weibo sau khi ra mắt vào năm 2020, đặc biệt là các fan nam trẻ tuổi.

Nhóm nhạc nữ bao gồm Diana, Ava, Bella, Eileen và Carol - mỗi người thể hiện những tính cách khác nhau. Mỗi thành viên của A-Soul được hỗ trợ bởi một nữ nhân viên là người thật - cho mượn cá tính và phong cách nhảy của họ để làm cho thần tượng ảo trở nên sống động.

Các báo cáo truyền thông Trung Quốc, trích dẫn một nguồn tin ẩn danh của ByteDance, cáo buộc rằng những người thật đằng sau các ngôi sao A-Soul chỉ được trả một phần rất nhỏ so với doanh thu của nhóm.

Vào tháng 5, A-Soul đột ngột thông báo rằng Carol sẽ ngừng biểu diễn. Người hâm mộ đã ủng hộ diễn viên đứng sau Carol, và tìm thấy bằng chứng cho thấy cô phàn nàn về hành vi quấy rối và chấn thương tại nơi làm việc trên blog cá nhân của mình.

Ủy ban sản xuất phía sau A-Soul đã phủ nhận cáo buộc lạm dụng, cho biết những nữ diễn viên mang lại sức sống cho thần tượng ảo được đền bù xứng đáng và nhận được 10% doanh thu từ các buổi livestream.

Sự ra đi của Carol đã thúc đẩy cuộc tranh luận rộng rãi hơn về điều kiện làm việc của những người trao cho nhân vật ảo cách nói, hát và nhảy độc đáo của họ.

Một VTuber nói với trang Biede của Trung Quốc: "Mặc những bộ quần áo chụp chuyển động thật mệt mỏi, và việc nhảy nhót mỗi ngày cũng thế. Đó là công việc khó khăn mà phần thù lao thì không xứng đáng".

Ajax (một người hâm mộ A-Soul) đã tẩy chay nhóm nhạc để đứng về phía nữ diễn viên thật từng đóng vai Carol. Trước đây, Ajax rất thích những màn trình diễn cùng trò đùa của Carol trong thế giới ảo, nhưng các báo cáo về tranh chấp lao động đã kéo anh về thế giới thật.

"Nhân vật Carol vẫn nằm trong tay các công ty. Nhưng cô ấy đã mất linh hồn", Ajax nói với Rest of World.

Nguồn: Zing News

Tin mới